Do vượt khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ tiếp tục khai thác theo hiện trạng đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn, đến giai đoạn năm 2026-2030, sẽ mở rộng nền đường hiện hữu và xây dựng đường song hành.
Nội dung được đề cập trong văn bản của UBND tỉnh Bình Dường gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ GTVT về việc kiến nghị một số nội dung về chuẩn bị thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Hồi đầu tháng 9/2021, Bộ GTVT đã có công văn gửi Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Bình Dương đề nghị sớm có ý kiến để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM.
Về vấn đề này, tỉnh Bình Dương thống nhất để UBND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tổng thể dự án và kiến nghị Chính phủ chấp thuận giao cho Bình Dương làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư đoạn qua địa bàn.
Theo nghiên cứu của Ban QLDA Mỹ Thuận, tuyến Vành đai 3 TP.HCM dài là 91,66 km, đi qua Long An, Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM, với quy mô 8 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện gần 250.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1, dự án sẽ sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng cho cả giai đoạn hoàn thiện và được chia thành các dự án thành phần.
Trong đó, dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng đường song hành, tuyến nối và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bao gồm giải phóng mặt bằng cho quy mô ở giai đoạn hoàn thiện. Và dự án lại tiếp tục được chia thành 4 hợp phần, giao cho các địa phương có dự án đi qua đầu tư bằng vốn ngân sách.
Tuy nhiên, để triển khai đền bù giải phóng mặt bằng một lần đoạn qua Bình Dương cần khoảng 37.620 tỷ đồng và xây dựng đường song hành giai đoạn 2021-2025 như đề xuất là vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được phân bổ.
Do đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Dương kiến nghị tiếp tục khai thác đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn hiện hữu, kết hợp với đầu tư các cầu vượt, hầm chui… Giai đoạn năm 2026-2030, địa phương sẽ đầu tư mở rộng nền đường hiện hữu và xây dựng đường song hành.
Đồng thời, Bình Dương kiến nghị Chính phủ có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ cho các địa phương và phù hợp với nhiệm vụ chi của từng cấp ngân sách theo quy định trong việc triển khai đầu tư các tuyến đường vành đai, cao tốc.
Ngoài ra, địa phương cũng đề xuất một số phương án cụ thể như bổ sung chi phí đền bù mặt bằng một lần theo mặt cắt ngang hoàn chỉnh và xây dựng đường song hành vào chi phí của dự án triển khai theo hình thức PPP; tăng tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách địa phương từ 36% lên 50%; có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án có tính chất liên vùng…
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án đường Vành đai 3 TP.HCM khi chưa tính lãi vay gần 82.600 tỷ đồng, gồm hơn 51.700 tỷ đồng cho dự án thành phần 1 và gần 33.000 tỷ đồng cho dự án thành phần 2. Trong đó dự án thành phần 1, các địa phương là cơ quan có thẩm quyền đầu tư bằng ngân sách;
Dự án thành phần 2 thực hiện theo hình thức BOT, xây dựng phần đường cao tốc bao gồm các nút giao với chiều dài gần 73,4 km được chia thành các đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch, Bình Chuẩn – QL22, đoạn QL22 – Bến Lức. Riêng đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn dài 15,3 km đã được đầu tư.
Nguồn dẫn: Đình Nguyên/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/vuot-kha-nang-can-doi-nguon-von-binh-duong-kien-nghi-chinh-phu-co-co-che-dac-thu-trien-khai-vanh-dai-3-tphcm-d58873.html