Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn muốn cùng với hãng tàu container MSC đầu tư cảng container tại huyện Cần Giờ, Tp.HCM đón được tàu trọng tải đến 150.000 DWT.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vừa có văn bản gửi Bộ GTVT liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư khu bến container tại huyện Cần Giờ, Tp.HCM.
Theo đó, VIMC đề nghị Bộ GTVT xem xét, hỗ trợ và chấp thuận chủ trương cho phép Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (VIMC đang nắm 65,45% vốn điều lệ) được phép triển khai Dự án đầu tư khu bến cảng container tại khu vực huyện Cần Giờ, Tp.HCM theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hai vị trí xây dựng cảng mà VIMC và Cảng Sài Gòn xin xây dựng cảng container Cần Giờ là vị trí số 1: tiếp giáp luồng Cái Mép Thị Vải, thuộc địa phận Cù Lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ; vị trí số 2: tiếp giáp luồng Sài Gòn Vũng Tàu, thuộc địa bàn xã Long Hòa, huyện Cần Giờ.
VIMC cho biết, trong thời gian qua, khối cảng biển của doanh nghiệp này đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn hoàn thành các mục tiêu đề ra. Năm 2020, sản lượng thông qua các cảng của VIMC đạt 110,68 triệu tấn hàng hóa, trong đó sản lượng container đạt 5.153.000 Teus; lợi nhuận khối cảng đạt 1.421 tỷ đồng. Trong hoạt động đầu tư phát triển, VIMC chú trọng vào quản lý, khai thác và phát triển cảng nước sâu tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Tại khu vực phía Nam, VIMC đã hoàn thành đầu tư và khai thác các cảng SSIT, CMIT, SPPSA (Vũng Tàu); cảng Hiệp Phước, cảng Tân Thuận (TPHCM)…
Các cảng container và cảng tổng hợp này được đầu tư kết cấu hạ tầng, phương tiện thiết bị xếp dỡ chuyên dụng và công nghệ quản lý hiện đại, năng suất khai thác cao, ngang tầm quốc tế, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng là các hãng tàu lớn thuộc các liên minh vận tải container hàng đầu thế giới như Maersk, MSC, CMA CGM, Cosco, ONE, Hapag-Lloyd…
Trong các cảng nêu trên, Hiệp Phước và Tân Thuận đang được khai thác bởi Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn. Trong đó, Cảng Hiệp Phước, được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ cho công tác di dời Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội vốn được Cảng Sài Gòn tiếp quản từ năm 1975 và đóng góp chính vào doanh thu, lợi nhuận cho Cảng Sài Gòn).
Tuy nhiên, Dự án Cảng Hiệp Phước vẫn chưa đảm bảo đủ khả năng tiếp nhận toàn bộ lượng tàu và hàng hóa di dời từ khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội. Độ sâu của các tuyến luồng chính tại khu vực Hiệp Phước chưa ổn định, ảnh hưởng đến khả năng khai thác của Dự án.
Trong khi đó, cảng Tân Thuận đang đảm đương xếp dỡ các loại hàng hóa như sắt thép, phân bón, gạo, container… với sản lượng thông qua cảng khoảng 10 triệu tấn và tạo công ăn việc làm cho khoảng 900 lao động.
Theo quy hoạch của Tp.HCM, trong tương lai gần, cảng Tân Thuận thuộc đối tượng di dời để thực hiện các kế hoạch chỉnh trang đô thị theo quy hoạch (Dự án cầu Thủ Thiêm 4).
Thực hiện chiến lược phát triển cảng nước sâu, Cảng Sài Gòn mong muốn phục hồi và phát triển thương hiệu Cảng Sài Gòn gắn với hình ảnh trung tâm cảng biển, logistics hàng đầu của cả nước phục vụ xuất nhập khẩu và trung chuyển hàng hóa như các cảng Singapore, Hồng Kông, Tanjung Pelepas (Malaysia).
Trong bối cảnh các cơ sở vật chất chủ đạo của Cảng Sài Gòn đều đã và sẽ phải thực hiện di dời, đơn vị mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ, ngành trong việc đầu tư phát triển các khu bến cảng mới tại khu vực Tp.HCM.
Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ, khu vực huyện Cần Giờ được định hướng, quy hoạch phát triển các khu bến cảng tiềm năng với phạm vi bao gồm vùng đất, vùng nước bên trái luồng Sài Gòn Vũng Tàu, khu vực Bình Chánh, cửa sông Ngã Bảy, cửa sông Cái Mép và khu vực Cù Lao Gò Gia.
Khu vực này được quy hoạch các bến tổng hợp, container, hàng rời, bến khách quốc tế với cỡ tàu có trọng tải đến 150.000 DWT hoặc lớn hơn; tàu khách 225.000 GT.
Thực hiện chiến lược phát triển chung của VIMC, Cảng Sài Gòn đã cùng với hãng tàu container MSC (và một số hãng tàu khác) đã nghiên cứu, có văn bản báo cáo và đề xuất với UBND Tp.HCM cùng cơ quan các cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận chủ trương cho Cảng Sài Gòn được triển khai dự án đầu tư bến cảng tại 2 vị trí nói trên.
Theo tính toán của Công ty cảng Sài Gòn, tổng mức đầu tư xây dựng cảng container tại vị trí số 1 khoảng 540 triệu USD; tại vị trí số 2 khoảng 335 triệu USD.
Nguồn dẫn: Anh Minh/ Báo Đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/de-xuat-cho-cang-sai-gon-dau-tu-khu-ben-container-tai-can-gio-tri-gia-875-trieu-usd-d152989.html