Hiện tuyến đường Vành đai 4 Hà Nội chiều dài 98 km đã có 4 nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án theo từng phân đoạn.

Sở GTVT Hà Nội vừa trình UBND TP Hà Nội báo cáo tổng thể tuyến đường Vành đai 4. Theo đó, tuyến đường Vành đai 4 được chia làm 7 đoạn và có tổng chiều dài là 98km.

Trong đó, đoạn trên địa bàn Hà Nội dài 54km; trên địa bàn tỉnh Hưng Yên dài 23km; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh 21km. Điểm đầu của dự án là đoạn nút giao với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, điểm cuối đoạn giao cao tốc Nội Bài – Hạ Long. Tuyến có một đoạn đi trùng với QL18 và cao tốc Nội Bài – Hạ Long.

Cũng theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, qua rà soát tính toán sơ bộ để đầu tư toàn tuyến Vành đai 4, phương án 1 sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 105.000 tỷ đồng; còn theo phương án 2 cần nguồn vốn khoảng 135.000 tỷ đồng.

Dựa trên thiết kế dự án do Bộ Giao thông Vận tải lập và các điều chỉnh về sau, hiện tuyến đường Vành đai 4 đã có 4 nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án theo từng phân đoạn.

Cụ thể, Công ty Cổ phần tập đoàn T&T đề xuất đầu tư 2 đoạn, gồm từ cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến QL32 và từ QL32 đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, tổng mức đầu tư được lập trước đây cho 2 đoạn này là 16.200 tỷ đồng.

Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành – Công ty PTHT Nguyên Minh đề xuất làm đoạn từ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, bao gồm cả cầu Mễ Sở, tổng kinh phí 9.800 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất xây cầu Hồng Hà (Đông Anh) và đường dẫn 2 đầu cầu, tổng kinh phí là 8.800 tỷ đồng.

Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội đã thống nhất, biểu quyết 100% quyết nghị đồng ý về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô.

Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội lưu ý cần xây dựng phương án và phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm hiện đại, đồng bộ toàn tuyến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giao thông trước mắt và lâu dài; có giải pháp kết nối khu vực hai bên tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh; giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với quốc phòng – an ninh.

Các quy trình, thủ tục đầu tư dự án phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan. Nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần theo hình thức PPP phải có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ theo quy định.

Cùng với đó, phối hợp với Đảng đoàn HĐND thành phố cân đối, bố trí đủ nguồn vốn của thành phố đáp ứng nhu cầu, tiến độ thực hiện các dự án thành phần trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố (giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030).

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù về khai thác các quỹ đất hai bên tuyến đường cũng như các cơ chế đặc thù khác nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nguồn dẫn: Thanh Tâm/ Tạp chí Đầu tư Tài chính

Link bài gốc: https://vietnamfinance.vn/4-nha-dau-tu-de-xuat-lam-duong-vanh-dai-4-ha-noi-rieng-tt-de-xuat-lam-2-doan-20180504224259266.htm