Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa vừa ký Công văn gửi UBND tỉnh Tiền Giang về việc thống nhất giao tỉnh Đồng Tháp là cơ quan có thẩm quyền của dự án cao tốc An Hữu-Cao Lãnh.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, từ khi đoạn tuyến cao tốc phía Tây: Cao Lãnh – Vàm Cống – Rạch Sỏi đưa vào hoạt động, lưu lượng phương tiện qua lại trên tuyến Quốc lộ 30 đoạn An Hữu (Tiền Giang) – Cao Lãnh (Đồng Tháp) tăng đột biến, gây ách tắc, quá tải cho tuyến đoạn tuyến quốc lộ này, trong khi hiện trạng tuyến Quốc lộ 30 An Hữu – Cao Lãnh qua nhiều lần nâng cấp nhưng mặt đường còn nhỏ, hẹp, chỉ 2 làn xe lưu thông, không đáp ứng lưu lượng xe lưu thông ngày càng tăng trên tuyến.
Do đó, việc đầu tư xây dựng mới đoạn tuyến cao tốc An Hữu – Cao Lãnh, kết nối giữa trục cao tốc phía Đông với trục cao tốc phía Tây là nhu cầu rất cấp thiết.
UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc An Hữu – Cao Lãnh và đã trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, Dự án được đề xuất thực hiện theo phương thức hợp tác đối tác công tư (PPP).
“Để chủ động trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện, hoàn thành Dự án trong thời gian sớm nhất, phát huy lợi thế từ Dự án mang lại, tạo động lực cho cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và khu vực, UBND tỉnh Đồng Tháp rất mong UBND tỉnh Tiền Giang ủng hộ việc sớm triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc An Hữu – Cao Lãnh (theo phương thức PPP, với quy mô, hướng tuyến theo đề xuất tại Tờ trình số 2341/PMUMT-KHTH ngày 23/8/2021 của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận); đồng thời thống nhất giao UBND tỉnh Đồng Tháp là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thực hiện đối với Dự án để triển khai thực hiện các bước tiếp theo”, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị.
Theo Tờ trình 2341/PMUMT-KHTH ngày 23/8/2021 của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận gửi Bộ Giao thông vận tải về thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc An Hữu – Cao Lãnh, Dự án này có điểm đầu tại nút giao An Thái Trung, kết nối với đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thuộc địa phận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; điểm cuối kết nối với đường Tỉnh 856 tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Tổng chiều dài tuyến khoảng 33,8 km, trong đó đoạn đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang là 8,4 km và tỉnh Đồng Tháp là 25,4 km.
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc An Hữu – Cao Lãnh có quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/h, với tổng mức đầu tư 9.508 tỷ đồng. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Dự án được phân kỳ theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 Dự án sẽ xây dựng với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, vận tốc 80 km/h, chiều rộng mặt cắt ngang 17 m, với tổng mức đầu tư là 6.944 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị Bộ Giao thông vận tải triển khai Dự án cao tốc An Hữu – Cao Lãnh theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Trong đó, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách chiếm 50% tổng mức đầu tư (3.472 tỷ đồng).
Tuyến cao tốc An Hữu – Cao Lãnh khi hoàn thiện sẽ kết nối các tuyến Quốc lộ 1, cao tốc Bắc – Nam phía Đông (cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ – Cà Mau), cao tốc Bắc – Nam phía Tây (đường N2 – Mỹ An – Cao Lãnh – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi) tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của khu vực.
Nguồn dẫn: Trúc Giang/ Báo Đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/de-nghi-giao-dong-thap-la-co-quan-co-tham-quyen-cao-toc-an-huu—cao-lanh-d151617.html