Vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP HCM – Mộc Bài và tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương hay đường Đặng Thúc Vịnh vừa thông xe… là các dự án thông sẽ khơi thông điểm nghẽn hạ tầng của huyện Hóc Môn và Củ Chi – hai địa phương được định hướng phát triển lên quận và thành phố.

Hóc Môn và Củ Chi là hai huyện ngoại thành TP HCM, có tổng diện tích khoảng 544 km2, chiếm gần toàn bộ khu vực tây bắc thành phố. Đây là cửa ngõ kết nối TP HCM với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương) của các tỉnh cả miền Tây và Đông Nam Bộ.

Ngày 11/5 vừa qua, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn và Củ Chi, TP HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hai huyện là ‘con rồng’ đang ngủ sắp tỉnh dậy để phát triển mạnh mẽ. Đây là thành phố sinh thái phía tây của TP HCM với trên 1 triệu dân nhưng chưa phát triển xứng tầm.

Ông đề nghị lãnh đạo TP HCM cần đóng góp vai trò để hai địa phương phát triển hơn, đặc biệt là hạ tầng, trước hết là phát triển một số tuyến giao thông, quy hoạch một số khu dân cư, khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí.

Điểm nghẽn về hạ tầng giao thông

Vào năm 2021, trong buổi tiếp xúc cử tri hai huyện, Chủ tịch nước đề nghị phát triển địa bàn Củ Chi, Hóc Môn là đô thị sinh thái, có vai trò đối trọng với 14 quận nội thành, nhấn mạnh cần quy hoạch chung của hai huyện trong tổng thể quy hoạch chung của TP HCM, trong đó điểm nhấn là Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi phải có quy hoạch tốt.

Theo Chủ tịch nước, một trong những nút thắt trong quá trình phát triển của Củ Chi là về giao thông, cần sớm triển khai cao tốc TP HCM – Mộc Bài, đường vành đai 3, sớm kết nối hai huyện với trung tâm thành phố.

Hiện tại, hạ tầng giao thông của hai địa phương này bộc lộ nhiều hạn chế so với nhiều quận, huyện khác của TP HCM. Các tuyến chính như quốc lộ 22, tỉnh lộ 15, 8, 2,… tại Củ Chi, đường Đỗ Văn Dậy từ thị trấn Hóc Môn đến cầu Xáng, đã xuống cấp trầm trọng, quá tải, đường nhỏ trong khi lưu lượng xe ngày càng đông.

Một trong những lý do khiến hai địa phương trở thành vùng trũng về đầu tư hạ tầng giao thông là do khu vực này được xác định theo hướng phát triển đô thị phụ. Đây cũng là điểm nghẽn hạ tầng khi Hóc Môn và Củ Chi được định hướng phát triển lên quận và thành phố thuộc TP HCM trong giai đoạn từ nay đến 2030.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện Hóc Môn và Củ Chi vào tháng 4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định nếu có hạ tầng giao thông tốt, hai huyện này không khác gì trung tâm quận 1.

Một lần nữa, Chủ tịch nước nhấn mạnh sự quan tâm hơn hệ thống giao thông tại hai huyện, về đường bộ, đường cao tốc, đặc biệt là hệ thống giao thông đường thủy và thậm chí là đường sắt tốc độ cao, tạo tuyến hành lang kinh tế đông tây TP HCM trên cơ sở hoàn thành đường vành đai 3 để đưa khu vực Hóc Môn, Củ Chi đến gần với phía đông TP HCM và ngược lại; đầu tư vành đai 4 để kết nối vùng TP HCM, tuyến đường ven sông Sài Gòn đối với khu vực nội thành, kết nối giao thông giữa Củ Chi, Hóc Môn với trung tâm thành phố, hệ thống sân bay quốc tế, cảng biển để tiếp cận thị trường thế giới.

Các dự án sẽ nâng tầm phát triển cửa ngõ tây bắc TP HCM

Theo quy hoạch, khu vực huyện Hóc Môn và Củ Chi là nơi có tuyến đường vành đai 3, 4 đi ngang qua và là trục giao thông kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ, sang tới Campuchia,…

Bên cạnh đó, cao tốc TP HCM – Mộc Bài dự kiến được triển khai trong năm nay, tuyến metro số 2 đang trong quá trình xây dựng hay đường Đặng Thúc Vịnh vừa thông xe vào cuối tháng 4 cũng là những công trình được kỳ vọng sẽ khơi thông điểm nghẽn hạ tầng cho toàn khu vực.

Tuyến vành đai 3 TP HCM dài hơn 91 km dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới được kỳ vọng mở ra hướng mới về phát triển đô thị cho các đô thị vệ tinh như khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi); Nhơn Trạch (Đồng Nai); khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An)…

Dự kiến nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025 cho dự án là 61.056 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 31.380 tỷ đồng, ngân sách địa phương 29.676 tỷ đồng.

Vừa qua, HĐND TP HCM và Long An đã thông qua chủ trương và cam kết đảm bảo cân đối, bố trí vốn lần lượt 24.000 tỷ đồng và 1.052 tỷ đồng để đầu tư dự án.

Còn vành đai 4 dài khoảng 198 km, khởi đầu tại nút giao đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, khu vực Phú Mỹ và điểm cuối nối với trục Bắc – Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, TP HCM. Đoạn qua TP HCM khoảng 48,3 km, riêng đoạn qua địa bàn Củ Chi dài khoảng 16,75 km.

Dự án được cập nhật điều chỉnh trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có quy mô 8 làn xe. Tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng.

Hiện Bình Dương đã đầu tư được khoảng 21 km bằng nguồn ngân sách địa phương và đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng theo quy hoạch. Tỉnh Long An đang triển khai đầu tư khoảng 25 km.

Tuyến đường khi hoàn thiện sẽ rút ngắn khoảng thời gian lưu thông từ thành phố đến các khu vực nội đô Bình Dương, cảng Cát Lái, sân bay Long Thành và ngược lại.

Bên cạnh đó là tuyến cao tốc TP HCM – Mộc Bài, dài hơn 50 km với gần 24 km đi qua huyện Củ Chi. Quy mô 8 làn xe đối với đoạn qua địa phận TP HCM và 6 làn xe đối với đoạn qua tỉnh Tây Ninh.

Dự án này hoàn thành sẽ kết nối từ khu đô thị Mộc Bài với các đường vành đai 4, vành đai 3 của TP HCM để tạo thành một mạng lưới liên kết giữa các tuyến giao thông đối ngoại và trở thành cửa ngõ ra vào TP HCM. Công trình đang được UBND TP HCM hoàn thiện hồ sơ dự án trình Chính phủ trong quý II và triển khai trong năm 2022.

Về hạ tầng đường sắt, tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương dài 48 km, ở giai đoạn 3 dài 28 km sẽ nối tuyến từ Bến xe An Sương đến quận 12, Hóc Môn, Củ Chi.

Tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt vào năm 2010 là 1.374 triệu USD (tương đương 26.116 tỷ đồng). Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh vào năm 2019 là 2.093,59 triệu USD (tương đương 47.890 tỷ đồng), tăng hơn 21.770 tỷ đồng.

Giai đoạn 1 (Bến Thành – Tham Lương) đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm về phía tây bắc thành phố, làm cơ sở phát triển các tuyến đường sắt đô thị khác sau này; giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông và cải thiện môi trường đô thị dọc tuyến; kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 và tương lai là tuyến số 5, số 3b, số 4 và số 6 tạo nên mạng lưới đường sắt đô thị, thuận lợi trung chuyển hành khách dọc theo trục đông – tây vào trung tâm thành phố.

Về lâu dài, sau khi hoàn thành đầu tư cả giai đoạn 2 (Bến Thành – Thủ Thiêm, Tham Lương – Bến xe Tây Ninh) và giai đoạn 3 (Bến xe Tây Ninh – Tây Bắc Củ Chi) sẽ chỉnh trang đô thị dọc tuyến, thúc đẩy phát triển nhanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.

Dự kiến thời gian hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 – 2026, vận hành chạy thử và khai thác vào năm 2026.

Bên cạnh hệ thống vành đai, cao tốc, trên địa bàn Củ Chi trong tương lai có hai tuyến đường sắt đi qua Tây Ninh và tuyến đường sắt đi Cần Thơ, với các nhà ga… Các tuyến đường sắt sẽ kéo dài sẽ tạo sự kết nối thuận lợi trong chiến lược phát triển của TP HCM giai đoạn từ nay tới 2030.

Ngoài các dự án nói trên, trong giai đoạn đến 2025, TP HCM dự kiến đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư từ nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước với nhiều dự án trên địa bàn huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi như đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây dựng cầu Lớn, đường trên cao số 5, cảng cạn Củ Chi…

Hôm 12/4, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022, TP HCM mời gọi đầu tư cho 48 dự án vào hai huyện này với tổng vốn đầu tư dự kiến là 9,415 tỷ USD (tương đương 216,537 nghìn tỷ đồng).

Trong số này có 6 dự án cầu – đường bộ với tổng vốn đầu tư 8,326 tỷ USD, tương đương 191,5 nghìn tỷ đồng; một dự án giao thông đường thủy với tổng vốn đầu tư 196 triệu USD, tương đương 4.500 tỷ đồng; một dự án đường nội đô với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, tương đương 3.800 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM Trần Quang Lâm đánh giá Hóc Môn và Củ Chi là địa bàn được hưởng nhiều lợi ích trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của thành phố.

Nguồn dẫn: Huy Hoàng/ Doanh nghiệp niêm yết

Link bài gốc: https://doanhnghiep.kinhtechungkhoan.vn/nhung-du-an-ha-tang-ty-usd-danh-thuc-con-rong-cu-chi-va-hoc-mon-dang-ngu-432022514173026769.htm