Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận, gồm: Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây dài khoảng 160,47km. Đến nay, chính quyền địa phương đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được 159,47km (đạt 99,4%).
Tổng chi phí GPMB của 3 dự án cao tốc: Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây qua địa phận tỉnh Bình Thuận khoảng 2.137,22 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến nay đạt 1.606,5 tỷ đồng (đạt 75,17%), riêng từ đầu năm 2021 đến nay mới giải ngân được 20,2/297,9 tỷ đồng (đạt 6,8%).
Sau gần 1 năm khởi công, những km đầu tiên của tuyến đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đã được thi công cấp phối đá dăm để chuẩn bị thảm lớp bê tông nhựa thứ nhất, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình thi công dự án này. Theo báo cáo tiến độ mới nhất của Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ Giao thông Vận tải), đến cuối tháng 8/2021, tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai đã bàn giao mặt bằng cho dự án đạt 99,7%.
Tuyến cao tốc với chiều dài 99 km, mặt đường hơn 32 m, quy mô 6 làn xe và vận tốc thiết kế 120 km/h giúp Bình Thuận gỡ nút thắt về hạ tầng, rút ngắn gần một nửa thời gian di chuyển từ TP.HCM xuống còn dưới 2 tiếng đồng hồ, thay vì 4 – 5 tiếng như hiện nay.
Nhiều ngày qua trong điều kiện vừa thi công vừa phòng dịch Covid-19, vật liệu thiếu…, các nhà thầu đã xoay xở bố trí lại đội hình, tổ chức sản xuất liên tục để đảm bảo tiến độ không bị đứt gãy. Các hạng mục đúc dầm bê tông, hệ thống thoát nước, lên lớp cấp phối đá dăm… vẫn đang hối hả.
Ông Nguyễn Doãn Tân – Giám đốc điều hành dự án cho biết, đến cuối tháng 8, các gói thầu xây lắp đạt 1.532 tỷ/1.829 tỷ đồng (đạt 83,78% kế hoạch năm 2021). Hiện nay, đã giải ngân đạt 1.532 tỷ/1.340 tỷ, đạt 112,48%. Sắp tới các khối lượng, hạng mục chính phải hoàn thành thi công là phần đường K95, K98, cấp phối đá dăm, hoàn thành toàn bộ cống ngang, hầm chui.
Riêng gói XL-03 đã hoàn thành lắp đặt 70% khối lượng các cống đúc sẵn, cọc khoan nhồi mố trụ cầu, đúc dầm lao dầm bản mặt cầu. Các gói thầu như XL-01, XL-02 những tháng gần đây cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, bù đắp được sản lượng bị chậm trước đây.
Tuyến cao tốc thức 2, từ Vĩnh Hảo – Phan Thiết đang từng ngày hoàn thiện đã tạo động lực cho các nhà đầu tư có tầm cỡ quốc tế rót vốn vào Bình Thuận. Hiện nay, trên công trình cao tốc tuyến Vĩnh Hảo – Phan Thiết đang huy động gần 2.000 cán bộ kỹ thuật, lái máy với 860 xe máy thiết bị, đang triển khai tổng cộng 62/67 mũi thi công.
Đến nay dự án đã thực hiện được khối lượng thi công phát quang dọn dẹp mặt bằng 101/101 km (đạt 100%), đường công vụ 103,2/103,7 km (đạt 99,5%), đào vét hữu cơ nền đường 94,6/101 km (đạt 93,68%), đào, đắp nền đường 57/101 km (đạt 56,43%), thi công 33/57 cầu (đạt 57,89%), cống hộp và cống tròn 115/299 cống (đạt 38,46%), hầm chui dân sinh 26/45 hầm (đạt 57,78%)… Giá trị sản lượng thực hiện khoảng 843,57 tỷ đồng, đạt 14% so với tổng giá trị xây lắp của dự án (6.065,09 tỷ đồng) và đạt khoảng 94% so với kế hoạch sản lượng đã đăng ký (899,27 tỷ đồng).
Giám đốc Ban điều hành Liên doanh nhà thầu cho biết các đơn vị đã đào đất các loại được 710.000 m3/1.612.000 m3, đạt hơn 40% kế hoạch và hiện đang thi công 13/29 cầu, 28/66 hầm chui, cống hộp.
Đến nay, số hộ và tổ chức đã bàn giao mặt bằng 2.662/2.684 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,2%. còn 22 hộ chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng (đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết 9 hộ, đoạn Phan Thiết – Dầu Giây 13 hộ). Diện tích đất sạch đã bồi thường 1.206,62 ha/1.221,51 ha, đạt tỷ lệ 98,8%.
Tiến độ giải ngân vốn bố trí năm 2021 là 18,52/296,33 tỷ đồng, đạt 6,2%, trong đó đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết 13,29/210 tỷ đồng đạt 6,3%; đoạn Phan Thiết – Dầu Giây 5,23/85,7 tỷ đồng đạt 6,1%…
Được biết, mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã ký kết hợp đồng triển khai cao tốc Bắc Nam, đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo (Nha Trang – Bình Thuận) theo hình thức PPP. Dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài 78,5 km, điểm đầu tại km54+00, phía sau nút giao Cam Ranh (điểm cuối dự án Nha Trang – Cam Lâm) thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối dự án tại KM134+00, phía trước nút giao Vĩnh Hảo, trùng điểm đầu cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Dự án có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 3.786 tỷ đồng, nguồn vốn của nhà nước tham gia 4.199 tỷ đồng. Nhà đầu tư được chọn qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước là Liên danh Tập đoàn Đèo cả – Công ty CP Xây Dựng Đèo Cả – Công ty 194.
Giai đoạn đầu có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m với vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Trên tuyến có hầm Núi Vung dài 2,2 km, quy mô 3 làn xe, rộng 14 m, lớn thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông. Giai đoạn hoàn chỉnh, quy mô dự án lên tới 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,35 m.
Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo góp phần hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, kết nối các trung tâm kinh tế phía Nam Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ và tạo động lực phát triển đột phá kinh tế – xã hội.
Hiện nay, phía tỉnh Bình Thuận đang tích cực triển khai công tác đền bù và di dời giải tỏa, phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ có mặt bằng sạch 100% cho các nhà thầu thi công.
Một vài năm gần đây bất động sản nghỉ dưỡng thực sự bùng nổ ở khắp các tỉnh, thành có tiềm năng kinh tế biển trên cả nước. Có thể thấy rằng, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tác dụng tích cực đến các thị trường khác lân cận.
Trong năm qua bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng tại Bình Thuận cũng đang dần phát triển trong xu thế này. Trong đó có nhiều nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ phải kể tên như Hưng Thịnh, Novaland, A&Z; Nam Group, Danh Khôi, Phúc Khang, T&T… đã chọn Bình Thuận là điểm đến để đầu tư.
Lý giải về điều này, các chuyên gia nhận định rằng chính hệ thống giao thông liên kết vùng mà Bình Thuận đang gấp rút triển khai đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư đổ vốn về đây.
Ngồn dẫn: Minh Tú/ VietnamFinance.vn
Link bài gốc: https://vietnamfinance.vn/can-canh-tien-do-3-tuyen-cao-toc-di-qua-thu-phu-resort-binh-thuan-20180504224258718.htm