Sáng 7/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều đại biểu Quốc hội tại các địa phương đề xuất ưu tiên xây đường cao tốc khi giải ngân gói này.

Gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội dự kiến có giá trị khoảng 350.000 tỷ đồng, trong đó ước tính chi hơn 103.000 tỷ đồng cho một số tuyến cao tốc, tuyến nối các cửa khẩu, quốc lộ. Nội dung này thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu khi Quốc hội thảo luận vào sáng nay.

Các đại biểu tại những địa phương như Bà Rịa – Vũng Tàu, Thái Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Điện Biên… đồng loạt xin ưu tiên sử dụng gói cơ sở hạ tầng này để xây dựng cao tốc qua địa bàn.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị Quốc hội chấp thuận đầu tư dự án tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu bằng hình thức đầu tư công thay vì đầu tư theo đối tác công tư (PPP) như được phê duyệt chủ trương ban đầu.

Theo ông Hùng, dự án đường cao tốc này được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức PPP vào tháng 9/2021 với tổng vốn 19.616 tỷ đồng. Nếu đầu tư PPP thì khó khăn trong việc thu xếp tài chính của các nhà đầu tư trong điều kiện ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sẽ kéo dài, chậm trễ trong triển khai dự án.

Trong khi đó, công trình có vai trò đặc biệt quan trọng, là tuyến đường huyết mạch trong việc kết nối liên kết vùng, phát huy vai trò của cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành, nâng cao khả năng kết nối giao thông đa phương thức, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ngoài ra, dự án cũng sẽ tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch.

“Khi dự án này được chuyển sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giảm tổng mức đầu tư đến 931 tỷ đồng so với đầu tư PPP, cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 “, đại biểu này nhấn mạnh.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) kiến nghị Trung ương quan tâm bố trí nguồn vốn để đầu tư đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình và Hải Phòng. Bà Dung cho rằng tuyến cao tốc đi qua các tỉnh vùng Duyên hải Bắc Bộ, giúp cho việc di chuyển cũng như kết nối giữa các tỉnh trong vùng trở nên nhanh chóng, thuận tiện và rút ngắn thời gian hơn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho các tỉnh trong vùng, giúp cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa và hành khách thuận lợi, nhanh chóng, đồng thời sẽ tạo ra kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ giữa các tuyến cao tốc tại phía Bắc và hệ thống cao tốc Bắc – Nam.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) cũng đề xuất đẩy nhanh tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng để giải quyết điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng cho các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng.

Ông Dũng cho biết tuyến đường cao tốc qua địa bàn tỉnh Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình có chiều dài khoảng 79 km, thuộc quy hoạch tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh dài 160 km. Hiện tại khu vực phía đông các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình có nhiều tuyến đi theo hướng đông – tây nhưng chưa có tuyến nối theo hướng đông – bắc, tây – nam, chưa có tuyến đường ven biển nối liền các trung tâm kinh tế, công nghiệp, cảng biển, du lịch với nhau.

Với tỉnh Nam Định, vị đại biểu cho rằng tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Hải Phòng khi hoàn thành hoàn thành sẽ rút ngắn đáng kể cự ly vận tải đến các cảng biển quốc tế, cửa khẩu tại Hải Phòng và Quảng Ninh, giảm tải cho cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, Pháp Vân – Cầu Giẽ và quốc lộ 10, qua đó giảm bớt lưu lượng các phương tiện đi qua Thủ đô Hà Nội và các khu vực đã bị đô thị hóa, mật độ dân cư dày đặc hai bên đường.

Cũng liên quan đến cao tốc, đại biểu đoàn Bắc Kạn Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Quốc hội, Chính phủ dành nhiều sự quan tâm đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng.