Do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên Bộ Giao thông vận tải chưa thể cân đối nguồn vốn để nâng cấp Quốc lộ 2D qua tỉnh Yên Bái trước năm 2025. Tuy nhiên, tỉnh sẽ được bố trí khoảng 1.810 tỷ để hoàn thành 3 dự án đang đầu tư và khởi công mới tuyến nối Hà Giang với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai…
Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn số 13382 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái để trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái gửi tới Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Cụ thể, cử tri tỉnh Yên Bái cho biết: “Tuyến đường Quốc lộ 2D, đoạn qua tỉnh Yên Bái bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông, ảnh hưởng tới việc phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, gây bức xúc trong nhân dân”.
Vì vậy, cử tri tỉnh Yên Bái kiến nghị Bộ xem xét sớm bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp tuyến đường nhằm bảo đảm giao thông đi lại của nhân dân được an toàn, thuận tiện, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Được biết, Quốc lộ 2D đi qua địa phận 4 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc có chiều dài khoảng 216km.
Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái có chiều dài khoảng 28,0km, Km90+765 – Km118+765, hiện trạng đạt cấp III-IV, quy mô cơ bản phù hợp quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021.
Thời gian qua, tuyến đường được sửa chữa, cải tạo từ nguồn vốn bảo trì để đảm bảo êm thuận và an toàn cho các phương tiện lưu thông.
Do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 2D, đoạn qua tỉnh Yên Bái. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương tìm kiếm, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để sớm triển khai dự án.
Bộ Giao thông vận tải cho rằng, việc đầu tư Quốc lộ 2D là cần thiết, hiện đã có trong Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, “còn nhiều dự án, có quy mô không lớn, nhưng là các điểm nghẽn trong các chuyên ngành giao thông, có nhu cầu đầu tư để phát huy hiệu quả toàn hệ thống vẫn chưa cân đối được trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để triển khai”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Hiện chưa có điều kiện triển khai dự án mới, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam có kế hoạch bảo trì, sửa chữa tuyến đường để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cân đối được khoảng 1.810 tỷ đồng để hoàn thành 03 dự án đang đầu tư, chuyển tiếp từ giai đoạn trước, gồm kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; Quốc lộ 32C đoạn Hiền Lương – TP. Yên Bái; Quốc lộ 37 đoạn Km280 – Km340 và khởi công mới dự án tuyến nối Hà Giang với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Cao tốc Nội Bài – Lào Cai được coi là tuyến “kinh tế xương sống” cho cả khu vực Tây Bắc. Kể từ sau khi được đưa vào khai thác, sử dụng, tuyến cao tốc này đã mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội rất lớn.
Việc nghiên cứu đầu tư xây dựng đường cao tốc kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai sẽ nâng cao khả năng kết nối giữa các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, rút ngắn hành trình từ Hà Giang và các địa phương khác trong khu vực về Thủ đô Hà Nội.
Được biết, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND hai tỉnh Hà Giang, Yên Bái nghiên cứu phương án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Hàn Quốc để đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai giai đoạn 1, khai thác với quy mô đường cao tốc 2 làn xe.
Điểm đầu dự án giao với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, thuộc địa phận thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Điểm cuối giao với Quốc lộ 2, thuộc địa phận thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.
Dự án xây dựng đường cao tốc kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai giai đoạn 1 dài khoảng 83,3km có mức đầu tư dự kiến khoảng 8.737 tỷ đồng. Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, thời gian thực hiện dự án là 5 năm sau khi hiệp định tài trợ có hiệu lực, dự kiến từ năm 2022 đến năm 2027.
Nguồn dẫn: Anh Tú/ Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài gốc: https://vneconomy.vn/rot-hon-1-800-ty-dau-tu-ha-tang-giao-thong-yen-bai-den-nam-2025.htm