Thị trường văn phòng giờ là của khách thuê, muốn tìm thuê mặt bằng 300 m2 hay quy mô lớn hơn thì họ có nhiều lựa chọn, có thế mạnh đàm phán với chủ nhà…

Phát biểu tại toạ đàm Nhận diện Nhân tố mới trên thị trường văn phòng cho thuế do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức chiều 1/11, ông Nguyễn Dũng Minh, Phó Tổng giám đốc quỹ đầu tư IDS Equity Holdings đánh giá, thị trường văn phòng hậu Covid-19 sẽ xoay quanh 3 từ khoá chính.

Từ khoá thứ nhất là “Trải nghiệm” của khách hàng, người đi làm. Văn phòng và chủ doanh nghiệp thực sự phải tạo ra trải nghiệm để nhân viên, cộng sự của mình đến không gian để sáng tạo, chia sẻ. Việt Nam và thế giới cho phép công ty chọn mô hình hoạt động: một số ngày làm ở nhà và một số ngày đến văn phòng, xu hướng này tương lai sẽ gia tăng. Một số khách hàng của IDS cũng đặt vấn đề khi thuê văn phòng là nhân sự trước kia đến văn phòng cố định thì bây giờ thay đổi. Văn phòng truyền thống thiết kế phải theo lối mở thoáng để phục vụ trao đổi chia sẻ với nhau.

Chính xu hướng này dẫn đến từ khóa thứ hai là sự “Linh hoạt”. Văn phòng không phải theo hoạt động truyền thống mà là không gian người ta có thể phát triển mở rộng.

Từ khoá thứ ba là “An toàn”, thích ứng với thay đổi về Covid-19. Ví dụ, đầu tư hệ thống thông gió chẳng hạn, IDS cũng phải xem xét lại có thực sự đáp ứng được yêu cầu trong dại dịch chưa, có phải bổ sung thêm công nghệ gì khác trong lọc gió, tạo không gian an toàn hơn cho khách hàng hay không.

Bên cạnh 3 từ khoá trên, theo ông Nguyễn Dũng Minh, để có thể hấp dẫn được khách thuê trong thời gian tới, chủ đầu tư văn phòng cho thuê nên quan tâm nhiều hơn đến hạ tầng kỹ thuật. Yêu cầu hạ tầng kỹ thuật rất quan trọng như về nguồn điện, công suất điện, tiêu chuẩn kỹ thuật để đáp ứng hệ thống server của doanh nghiệp IT lớn. Các chủ đầu tư các toà nhà cần lưu ý hạ tầng kỹ thuật phải làm từ trong quá trình chuẩn bị để không phải tính đến chi phí nâng cấp sau này, rất tốn kém.

“Do giãn cách xa hội nguồn cung văn phòng cho thuê tương lai gần có thể bị ảnh hưởng, một vài toà nhà dự kiến khai trương trong năm 2021-2022 sẽ bị chậm lại nên cân bằng cung cầu có thể đạt vào giữa năm 2022”.

Ông Nguyễn Dũng Minh.

Không gian xanh và không gian chung ở các toà nhà cao tầng Hà Nội tìm kiếm gần như khó, nên chủ đầu tư nào biến được một số tiện tích thành không gian xanh, không gian chung của toà nhà thì đó sẽ là lợi thế. Những không gian này sẽ mang lại giá trị lớn cho khách hàng.

Thời gian tới, các chủ đầu tư Việt Nam cũng nên nhìn nhận vấn đề bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt khách hàng là công ty tập đoàn đa quốc gia, họ có cam kết riêng với cổ đông của họ về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

“Giữ khách là yếu tố quan trọng. Thị trường giờ là của khách thuê, muốn tìm thuê mặt bằng rộng 300 m2 hay quy mô lớn hơn thì họ có nhiều lựa chọn, có thế mạnh đàm phán với chủ nhà. Một số khách hàng lớn của chúng tôi phải mất 1 năm để thương thảo. Kỳ vọng của chúng tôi giữa năm 2022, thị trường dần thay đổi, cân bằng giữa thế khách thuê và chủ nhà”, ông Minh nhấn mạnh.

Nguồn dẫn: Thu Minh/ Thời báo Kinh tế Việt Nam

Link bài gốc: https://vneconomy.vn/thi-truong-van-phong-dang-nam-trong-tay-khach-thue-chu-dau-tu-phai-chu-y-3-tu-khoa-quan-trong.htm