TP. Hà Nội vừa thống nhất chủ trương triển khai dự án Vành đai 4 có tổng mức đầu tư trên 94.000 tỷ đồng, với kịch bản thu phí BOT cao nhất 233 nghìn đồng/lượt sau khi tuyến đường hoàn thành…

Tại kỳ họp thứ II, khóa XVI, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết về cho ý kiến, phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố. Trong đó, Hội đồng nhân dân thành phố quyết nghị thống nhất chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô, với ba dự án thành phần.

Cụ thể, dự án thành phần 1, giải phóng mặt bằng với tổng chi phí 24.242 tỷ đồng, trong đó, tỉnh Hưng Yên chi khoảng 3.140 tỷ đồng; tỉnh Bắc Ninh chi khoảng 2.950 tỷ đồng; TP. Hà Nội chi khoảng 18.140 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2, đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành, khoảng 9.399 tỷ đồng, dự kiến đề xuất đầu tư công và đang tìm nguồn hỗ trợ.

Với dự án thành phần 3, đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc khoảng 60.486 tỷ đồng, hình thức đầu tư PPP, hợp đồng BOT, nhà đầu tư hoàn vốn bằng việc lập trạm thu phí phương tiện.

Tuy nhiên, nếu để nhà đầu tư lập trạm thu phí, mức phí sẽ vượt quá khả năng chi trả của người dân. Hội đồng thẩm định dự án đề xuất UBND thành phố cần có sự tham gia của phần vốn nhà nước tại phần đường cao tốc.

Dự kiến tuyến đường Vành đai 4 hoàn thành và bắt đầu thu phí từ năm 2030.   Mức phí BOT trên đường cao tốc Vành đai 4 sẽ có mức giá 2.100 đồng/km cho xe tiêu chuẩn dưới 12 chỗ, đi toàn tuyến 233 nghìn đồng/lượt. Với mức huy động vốn từ nhà đầu tư là 45%, tư vấn thiết kế dự án tính toán dự án sẽ có thời gian thu phí hoàn vốn trên đường cao tốc là 21 năm.

“Việc này nhằm giảm tỷ lệ vốn huy động từ nhà đầu tư, dự án có mức thu phí BOT người dân có thể chấp nhận được”, đại diện Hội đồng thẩm định dự án kiến nghị.

Từ tổng mức vốn huy động của nhà đầu tư và tiêu chuẩn tuyến đường, tư vấn thiết kế đưa ra 3 kịch bản thu phí cho đường Vành đai 4.

Cụ thể, kịch bản thứ nhất, tuyến đường cao tốc Vành đai 4 được tập trung đầu tư xong trước năm 2024, mức phí được tính toán dựa trên số liệu khảo sát, dự báo lưu lượng xe trong giai đoạn từ 2024 đến 2026 là 1.700 đồng/km với xe tiêu chuẩn, áp dụng với ô tô dưới 12 chỗ, đi toàn tuyến trên 100 km là 188 nghìn đồng/lượt.

Kịch bản thứ hai, tuyến cao tốc Vành đai 4 thi công xong trước năm 2027, mức phí được tính toán cho xe tiêu chuẩn là 1.900 đồng/km, đi toàn tuyến là 210 nghìn đồng/lượt.

Kịch bản thứ 3, tuyến đường xây dựng xong trước năm 2030, mức phí được tính toán cho xe tiêu chuẩn là 2.100 đồng/km, đi toàn tuyến là 233 nghìn đồng/lượt.

Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, khung giá, phí dịch vụ được xác định cụ thể cho từng thời kỳ, bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch. Mức giá vé phù hợp với sức chi trả của người dân từng thời kỳ, phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP đầu người.

Đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô có chiều dài khoảng 111,2 km với 6 làn xe, đi qua địa phận TP. Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2028.
Cụ thể, 58,2 km đi qua 7 quận, huyện Hà Nội gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông; qua địa phận tỉnh Hưng Yên 19,8 km, đi qua các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ và Văn Lâm; tỉnh Bắc Ninh dài 24,2 km và tuyến nối 9 km, đi qua ba huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP. Bắc Ninh. 

Nguồn dẫn: Anh Tú/ Thời báo Kinh tế Việt Nam

Link bài gốc: https://vneconomy.vn/tren-94-000-ty-dau-tu-vanh-dai-4-vung-thu-do-muc-phi-bot-cao-nhat-233-000-dong-luot.htm