Những khuyết tật của thị trường bất động sản ít nhiều có sự tiếp tay của những “sàn giao dịch” tự phát và những nhân viên môi giới “tự phong” làm ăn chụp giật.
Những vấn đề nổi cộm
Qua lời khua môi múa mép của những người tự xưng nhân viên dự án, vào cuối tháng 1/2019, bà H.T.T.H từ TP.HCM lặn lội xuống Đồng Nai để “xuống tiền” gần 1,2 tỷ đồng cho 3 lô đất nền tại Dự án Long Thọ Ecopark, một dự án ma do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển tương lai Việt Nam vẽ ra. Đây là thương vụ nhớ đời, vì suýt nữa bà H “mất cả chì lẫn chài”. Phải mất hơn 1 năm sau, bà H. mới nhận lại được gần hết số tiền đã đầu tư.
Kiểu dự án bất động sản “bánh vẽ” như Long Thọ Ecopark không khó tìm trong 5 năm trở lại đây. Hiện tượng tự “vẽ” dự án để huy động vốn trái phép này diễn ra giống như chiêu trò lừa đảo của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba được phanh phui trước đó.
Nguồn cơn cho việc hình thành những dự án ma như trên là do cơ chế chính sách kinh doanh bất động sản không còn phù hợp với tình hình thực tế của thị trường và thiếu tính chặt chẽ.
Tổng kết về thi hành Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Bộ Xây dựng dẫn giải, việc bỏ quy định bắt buộc giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản là phù hợp với bối cảnh trầm lắng của thị trường giai đoạn 2008 – 2013, nhưng trước sự phục hồi của thị trường từ năm 2014 đến nay, cơ chế chính sách này không còn phù hợp, có kẽ hở dẫn đến đến nhiều hệ lụy, như tạo cơ sở cho việc hình thành các dự án ma…
Mặt khác, chất lượng chuyên môn của các sàn giao dịch bất động sản cũng đáng lo ngại. Các quy định về điều kiện thành lập sàn giao dịch bất động còn lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho các sàn giao dịch bất động sản lách luật.
Đơn cử, pháp luật hiện nay quy định điều kiện thành lập sàn giao dịch bất động sản chỉ cần ít nhất 2 nhân sự có chứng chỉ hành nghề, không quy định về năng lực tài chính (vốn điều lệ)… Tức là, chỉ cần có 2 người có chứng chỉ hành nghề là có thể “bao trọn” hoạt động hành nghề của tất cả nhân viên trong sàn, trong khi quy mô thông thường của các sàn là 30 – 50 nhân viên, sàn giao dịch lớn có quy mô 50 – 300 nhân viên, thậm chí tới 1.000 nhân viên.
Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có khoảng 1.600 sàn giao dịch bất động sản. Đa phần các sàn này có quy mô nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao, năng lực tài chính thấp, năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân sự còn yếu.
“Hầu hết các sàn bất động sản mới chỉ làm chức năng quảng cáo cho các chủ đầu tư và làm môi giới bất động sản, chứ chưa thực hiện hết chức năng của mình như báo cáo thông tin về tình hình giao dịch bất động sản, kiểm tra tính pháp lý của các sản phẩm bất động sản trước khi đưa vào giao dịch… Ngoài ra, tình trạng ‘ôm’ hàng, ‘thổi giá’ ăn chênh lệch gây lũng đoạn thị trường còn diễn ra rất phổ biến”, Bộ Xây dựng nêu.
Ngoài chuyện chất lượng các sàn, hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản cũng là bất cập đáng nói hiện nay, với minh chứng rõ nhất là cơn sốt đất trong quý II/2021 tại các địa bàn quanh khu vực Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng (Hà Nội). Khi quy hoạch còn chưa rõ, giá đất ở những khu vực ven sông đã được đội ngũ môi giới “tự phong” đồng loạt “thổi” lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần chỉ trong vòng vài tuần của tháng 4/2021.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng nhận định, nhân lực trong lĩnh vực môi giới bất động sản đang thừa về lượng, nhưng thiếu về chất. “Đội ngũ làm môi giới bất động sản yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh, dẫn đến tình trạng làm ăn ‘chụp giật’… Thậm chí còn lũng đoạn thị trường, góp phần gây ra những cơn ‘sốt ảo’ để kiếm lợi”, Bộ Xây dựng cho biết.
Siết chặt quản lý môi giới bất động sản
Những hạn chế trong hoạt động các sàn và chất lượng môi giới bất động sản hiện nay khiến PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – giá cả (Bộ Tài chính) tỏ ra tiếc nuối khi Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi năm 2014 không kế thừa những quy định giúp kiểm soát tốt thị trường bất động sản từ “phiên bản” năm 2006.
Đáng nói, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 lại bỏ đi quy định bắt buộc giao dịch bất động sản phải thông qua sàn. “Điều này đi ngược với xu hướng chung của quốc tế, bởi các giao dịch qua sàn là công cụ tốt để kiểm soát giao dịch cả về lượng và giá trị, giúp các cơ quan chức năng đánh giá sát với thị trường, đồng thời giúp kiểm soát tốt việc thu thuế đối với các giao dịch bất động sản và bảo đảm tính minh bạch của thị trường”, PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định bắt buộc các giao dịch mua, bán bất động sản phải thông qua sàn giao dịch; nghiên cứu, bổ sung quy định điều kiện được cấp chứng chỉ quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản theo hướng phải hoàn thành khóa đào tạo quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản tại các trường đại học, cơ sở đào tạo do Bộ Xây dựng chỉ định…
Đối với chính sách về môi giới bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng siết chặt hơn. Đơn cử, bổ sung các quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới….; phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, cá nhân không được hoạt động môi giới độc lập.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, cần có quy định chặt chẽ đối với môi giới cá nhân và các tổ chức kinh doanh bất động sản. “Một khi chất lượng môi giới được nâng cao, những tin đồn không đáng tin cậy trên thị trường nhằm mục đích trục lợi sẽ giảm đi, qua đó hỗ trợ thêm tính minh bạch của thị trường”, ông Matthew Powell nhấn mạnh.
Nguồn dẫn: Lê Quân/ Báo Đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/batdongsan/sua-luat-kinh-doanh-bat-dong-san-ca-nhan-khong-duoc-lam-moi-gioi-doc-lap-d153411.html