Chủ mới của Saigon One Tower là Công ty Viva Land, thành lập tháng 5/2019, vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, ngành nghề chủ lực là kinh doanh bất động sản. Tuy mới lộ diện, tổng diện tích quỹ đất mà công ty này sở hữu ước tính khoảng 800 ha với hơn 17.000 căn hộ.

Chính thức tiếp nhận dòng vốn đầu tư mới cuối năm 2021, Saigon One Tower được đổi tên thành IFC One Saigon. Được thay tên đổi họ, IFC One Saigon cũng lộ diện với thiết kế mới lấy cảm hứng từ hình tượng cá chép hóa rồng, biểu tượng mới cho sự phồn vinh, thịnh vượng.

Công trình cao 185 m, được lấy cảm hứng từ con rồng truyền thuyết nên có thiết kế façade hình tam giác khổ lớn, từng lớp kính pha trộn màu sắc ghép lại tạo hiệu ứng vảy rồng. Với thiết kế này, không chỉ rũ bỏ những hơi thở của quá khứ, IFC One Saigon còn được kỳ vọng sẽ tạo nên diện mạo mới cho thành phố, trở thành một biểu tượng mới.

Đáng chú ý, tòa nhà này “lột xác” nhanh đáng kinh ngạc. Mặt kính mới phía hướng về quận 4 đã được phủ bởi những tam giác khổ lớn có màu pha trộn, tạo nên những mảng “vảy rồng” rực rỡ và dần được hoàn thiện.

Đây cũng chính là lý do dự án gần đây thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới bất động sản, các nhiếp ảnh gia cũng như người dân TP.HCM. Đi cùng với đó là kỳ vọng sớm được chứng kiến diện mạo hoàn chỉnh hơn của tòa cao ốc, nhất là vào dịp Lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới.

Không chỉ gây “choáng” với ngoại hình mới, tòa nhà này gần đây đặc biệt tạo “cú sốc” lớn trên thị trường khi một số đơn vị tham gia bán hàng đã rao giá khoảng 1 tỷ đồng/m2! Ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, nhìn nhận mức giá 1 tỷ đồng/m2 có thể gây sốc với số đông nhưng hoàn toàn có thể với giới siêu giàu.

“Họ sẵn sàng bỏ ra vài triệu USD để sở hữu một căn hộ ở vị trí kim cương nhằm khẳng định đẳng cấp hoặc làm quà biếu, tặng”, vị chuyên gia tài chính bất động sản này nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo quy hoạch trước đây của chủ đầu tư cũ Saigon M&C, bên cạnh khối đế bán lẻ và các tầng văn phòng cho thuê, dự án cung cấp 133 căn hộ hạng A với giá bán thời điểm 2011 khoảng 90 triệu đồng/m2.

Còn hiện tại, gần một năm sau khi bắt tay vào “hồi sinh” tòa cao ốc, Viva Land vẫn chưa công bố chính thức thông tin chi tiết về dự án như số lượng hay thiết kế bên trong của từng dòng sản phẩm.

Điểm khác biệt duy nhất được biết đến thời điểm hiện tại là thiết kế mặt ngoài theo hiệu ứng vảy rồng do BM Windows phụ trách. Do đó, chưa đủ cơ sở để đánh giá mức 1 tỷ đồng/m2 có xứng đáng hay không.

Một “cú sốc” cũng không hề nhỏ nữa mà dự án này vừa mang lại cho thị trường, đó là chủ đầu tư tòa nhà IFC One Saigon chỉ được cơ quan chức năng TP.HCM cấp phép thay lớp kính bên ngoài để đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị, các hạng mục khác chưa được làm.

Theo ông Trương Công Nam, Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, từ đầu năm 2022, chủ đầu tư của dự án đã nộp hồ sơ đề xuất Sở Xây dựng cho phép tháo dỡ và thay khung kính bên ngoài.

Thường trực UBND TP.HCM đã có thông báo chấp thuận chủ trương và cho phép chủ đầu tư lắp khung kính mới nhằm chỉnh trang đô thị, đón lễ Quốc khánh, cũng như bảo đảm an toàn cho người dân.

Theo đó, chủ đầu tư cam kết với UBND Thành phố, Sở Xây dựng và quận 1 là thi công xong khung kính mặt ngoài và sẽ kết thúc vào 1/9. Các hạng mục khác, chủ đầu tư không được làm vì hiện dự án này đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Qua tìm hiểu, được biết dự án này vốn được công bố năm 2007 và khởi công xây dựng năm 2008, với tên gọi đầu tiên là cao ốc Sài Gòn M&C. Dự án có tổng mức đầu tư được công bố 256 triệu USD, tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng, trên khu đất rộng 6.672 m2.

Dự kiến sau khi hoàn thành vào năm 2009, đây sẽ là tòa nhà cao thứ ba tại TP.HCM, trên 185 m gồm 42 tầng cao và 5 tầng hầm, được quy hoạch là tòa nhà thương mại cao tầng gồm có cả văn phòng, căn hộ chung cư, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại.

Song thực tế, tiến độ của dự án chậm hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Sau khi xây dựng được khoảng 80% phần thô, công trình ngưng thi công năm 2011, từ đó bắt đầu thập niên bị bỏ hoang, bị thu giữ để xử lý nợ…

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan từng cho biết dự án bị đình trệ bởi những mâu thuẫn trong nội bộ chủ đầu tư, trong đó có việc phân chia tài sản. Đặc biệt, cuộc “khủng hoảng” này lại rơi vào đúng chu kỳ chững lại của thị trường bất động sản, nên việc huy động vốn đầu tư lớn để triển khai dự án rơi vào bế tắc…

Dự án sau đó bị Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu giữ để xử lý và thu hồi nợ của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower. Đến cuối tháng 3/2018, cao ốc Saigon One Tower được VAMC thông báo bán đấu giá để xử lý khoản nợ xấu hơn 7.000 tỷ đồng….

Nguồn: Phụ nữ mới

Link bài gốc: https://phunumoi.net.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-tai-du-an-10-nam-ngu-quen-ifc-one-saigon-d255840.html