Nhiều nhà đầu tư bất động sản (BĐS) mới tham gia thị trường, đầu tư chạy theo tâm lý đám đông, nắm thông tin chậm, ít kiến thức và non kinh nghiệm đang lâm vào cảnh “sống dở chết dở” khi phải bán lỗ, bán tháo vì cơn sốt đất có dấu hiệu giảm nhiệt.

Sốt đất hạ nhiệt nhiều người “lao đao”

Từ đầu năm, tình hình giao dịch đất đai nhộp nhịp, giá đất tăng nhanh chóng mặt trung bình khoảng 50% đến 60% so với cuối năm 2021. Trước sự tăng trưởng “nóng” của thị trường BĐS các ngân hàng đã siết chặt hoạt động vay vốn tín dụng, cục thuế kiểm soát chuyển nhượng BĐS. Nhiều địa phương đã ngừng giải quyết thủ tục chia tách thửa đất, gia tăng kiểm soát các hoạt động kinh doanh BĐS. Vì thế, thị trường BĐS đã dần hạ nhiệt và ổn định trở lại.

Thời điểm giá đất tăng cao nhiều người ồ ạt bỏ vốn đầu tư với hy vọng kiếm lời nhanh, tuy nhiên sau một thời gian ngắn giá đất có dấu hiệu giảm nhiệt thậm chí còn thấp hơn so với thời điểm mua vào. Rơi vào trường hợp đó là anh Hữu Tín ở Hà Nội, anh cho biết anh đã bỏ ra hơn 4 tỷ đồng để mua 2 lô đất ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) vào thời điểm giá đất khu vực này tăng cao với mục đích đầu tư sinh lời. Nhưng sau 3 tháng thị trường có dấu hiệu trầm lắng, giá đất hạ nhiệt vắng khách mua, thu hồi vốn giờ đây cũng là chuyện xa xỉ.

Thị trường BĐS hạ nhiệt rõ nhất là ở phân khúc đất nông nghiệp, đất đồi, đất ven sông, hồ ở nhiều tỉnh, thành phía Nam và Tây Nguyên. Thông tin rao bán đất xuất hiện dày đặc trên các hội nhóm, diễn đàn mua bán nhà đất ở các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông,… nhưng số người mua rất ít, lượng giao dịch thành công ngày một giảm, đối lập hoàn toàn với lúc đất đang trong cơn sốt, tin mua nhiều hơn tin bán, người người tranh nhau đặt cọc.

Môi giới nhà đất ở tình Đắk Nông cho biết, khi xuất hiện thông tin có doanh nghiệp lớn sẽ đầu tư vào khu vực hồ Tà Đùng ở xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông với mục đích xây dựng khu đô thị nghỉ dưỡng thì giá đất ở đây liên tục biến động, giá tăng nhanh gấp 2, 3 lần, chỉ trong vài tuần người mua có thể thu được lợi nhuận gấp đôi. Nhưng đến nay thị trường có dấu hiệu yến ắng hơn, thông tin dự án nghỉ dưỡng qua lời đồn thổi vẫn chưa được xác nhận, người mua ôm giá cao rơi vào tình thế đứng ngồi không yên, tìm cách bán lại với mong muốn thu hồi được vốn.

Chị Thanh Huyền ở TP.HCM chia sẻ khi nhận được thông tin đất ở khu trung tâm thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đang sốt chị đã có ý định cùng bạn bạn bè rủ nhau góp vốn đầu tư. Nhưng khi vừa đặt cọc mảnh đất tại đây thì chứng khoán lao dốc. Cả chị và bạn đều bị lỗ nặng, không còn đủ tiền đầu tư, rao bán đất khắp nơi nhưng không có người mua nên đành hủy cọc mất trắng số tiền lớn.

Ngoài ra nhiều môi giới đất cho biết gần đây nhiều trường hợp đặt cọc tiền mua đất nhưng phải xin lấy lại cọc hoặc bỏ cọc vì nhiều người thế chấp nhà, căn hộ để vay tiền nhưng ngân hàng không giải ngân gây khó khăn về vốn, dẫn đến mọi giao dịch BĐS bị chững lại.

Các chuyên gia nhận định khi giá BĐS bị đẩy lên quá cao các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ càng thị trường, tránh đầu tư theo số đông và ăn theo cơn sốt ảo, cẩn trọng khi quyết định rót vốn, tránh lâm vào tình cảnh khó khăn khi thanh khoản giảm.

Nhà đầu tư chấp nhận “chôn vốn”

Thời điểm giá đất tăng cao, nhiều người tham giá các hoạt động đấu giá ở địa phương dẫn đến giá thầu cao, nhưng nhiều nhà đầu tư trúng thầu lại không nộp tiền đúng thời gian quy định. Cụ thể, từ tháng 2 đến nay, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An có 73 lô đất với tổng diện tích 13.418 m2 tại các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ có người tham gia trúng đấu giá đất nhưng bỏ cọc với số tiền trên 15 tỷ đồng. Trong số này, có một nhà đầu tư ở Hà Nội trúng 19 lô nhưng chấp nhận bỏ số tiền cọc đã nộp hơn 7 tỷ đồng.

Tương tự, UBND thị xã Điện Bàn tỉnh Quảng Nam cũng ra 3 quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, do người trúng không nộp tiền sử dụng đất theo quy định với các thửa đất tại khối phố Ngọc Tam, phường Điện An. Giá trị 3 thửa đất trúng đấu là hơn 16 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng thị trường BĐS ở các tỉnh đang hạ nhiệt, không còn nhộp nhịp vì các nhà đầu tư lớn từ 20 đến 30 tỉ đồng đã dần rút và chuyển sang đầu tư vào những phân khúc BĐS còn địa dư tăng giá, dễ giao dịch như nhà phố, đất nền, vì muốn đầu tư vào phân khúc có thanh khoản cao.

Nguồn dẫn: Nguyên Ngọc/ Chất lượng cuộc sống

Link bài gốc: https://chatluongvacuocsong.vn/nha-dau-tu-thao-chay-khi-sot-dat-ha-nhiet-d96089.html