Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại, tăng vốn đầu tư công trung hạn từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương, giao Hà Nội và TP HCM chủ trì dự án, xem xét quyết định chỉ định thầu đối với một số gói thầu,… là những chính sách được đề xuất đối với hai siêu dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP HCM.

Trình Quốc hội xem xét ban hành cơ chế đặc thù cho hai siêu dự án vành đai

Phát biểu tại tọa đàm “Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá” tổ chức ngày 4/5, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết Bộ được giao nhiệm vụ tiếp tục phát triển mạng lưới đường cao tốc, hiện nay triển khai giai đoạn 1 của đường cao tốc phía Đông và đồng thời cũng triển khai giai đoạn 2 cao tốc phía Đông để chúng ta phấn đấu đến năm 2025 liên thông.

Theo ông Thọ, từ thực tiễn tổ chức triển khai có những bất cập được rút ra, cơ chế chính sách cần được tháo gỡ điểm nghẽn, cần điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp để khơi thông trong vấn đề đầu tư.

Lấy ví dụ dự án cao tốc phía Đông, ông Thọ cho biết từ thực tiễn giai đoạn 1, Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu Chính phủ đưa ra một số cơ chế chính sách, cũng là ba điểm nghẽn gồm phân cấp phân quyền, chỉ định thầu và nguồn vật liệu.

Đi sâu vào hai dự án vành đai 3 TP HCM và vành đai 4 vùng Thủ đô, về vấn đề phân cấp phân quyền, chỉ định thầu, vật liệu, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đề xuất nhóm dự án về nguồn vốn cho đầu tư. Đối với cơ chế nguồn vốn cho đầu tư, Bộ đề xuất cho sử dụng linh hoạt nguồn vốn của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để phát triển dự án.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất cho phép tăng tổng mức đầu tư trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tạm thu của các địa phương. Đồng thời xin phép Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để các địa phương vay lại nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ giải ngân cho dự án, đặc biệt trong giai đoạn 2024-2025.

“Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu ngân sách địa phương, bao gồm nguồn thu sử dụng đất để hoàn trả ngân sách địa phương trong giai đoạn 2026-2030”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.

Giao TP HCM, Hà Nội làm “nhạc trưởng”

Về phân cấp và tổ chức thực hiện dự án, ông Thọ cho biết trước hết cần phân chia dự án thành các dự án thành phần, giao địa phương tổ chức thực hiện, như TP HCM và Hà Nội cũng có ý kiến, giao hai thành phố này chủ trì, chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Ngoài ra, kiến nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần điều chỉnh theo quy định.

Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận việc điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong điều kiện không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được Quốc hội thông qua.

Về cơ chế chỉ định thầu, Bộ Giao thông vận tải đề xuất Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án đối với các gói thầu tư vấn phục vụ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư, gói thầu xây lắp các dự án thành phần.

Về vấn đề khai thác khoáng sản và làm vật liệu xây dựng, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị cho phép giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khai thác vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

Bộ Giao thông Vận tại cũng đề xuất cho phép các mỏ, cát sỏi lòng sông đã cấp phép đang hoạt động còn thời gian khai thác thì UBND các cấp được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác, không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh đánh giá cân bằng môi trường.

Đối với địa phương, ngoài khu vực dự án có các mỏ khoáng sản vật liệu thông thường làm hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng sử dụng, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù như đối với mỏ khoáng sản ở các địa phương có dự án đi qua.

“Đây là một số cái mới đối với đường vành đai 3 TP HCM và vành đai 4 vùng Thủ đô kiến nghị cơ chế đặc thù trên cơ sở triển khai cao tốc phía Đông giai đoạn 2 đã được Quốc hội cho phép”, Thứ trưởng cho biết.

Trao đổi thêm về nội dung này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng có những cơ chế chính sách đã được kiểm điểm trong việc thực hiện đường cao tốc. Một số đề xuất mới rất cần thiết. Đây là các vấn đề nếu được cho phép sẽ thúc đẩy triển khai dự án nhanh.

Trao cho địa phương quyền chủ động có thể giúp giải quyết những điểm nghẽn và lãng phí rất ghê gớm

Nêu quan điểm về việc địa phương kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng theo tiến độ triển khai dự án, trong đó ưu tiên hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2021-2025,  PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng đây là ý tưởng rất hay.

Theo ông, giải phóng mặt bằng nhiều khi bị chốt chặt bởi cái nguyên tắc giá cả, thế là chỉ cần một vài hộ gia đình không đồng ý là toàn bộ dự án bị hỏng hết.

“Tình thế thay đổi rất nhiều, điều kiện phong phú lắm, Trung ương không thể nào xử lý hết mọi việc được. Cho phép địa phương linh hoạt xử lý thì có thể giúp chúng ta giải quyết những tắc nghẽn, những điểm lãng phí rất ghê gớm”, chuyên gia kinh tếchia sẻ.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng lưu ý, inh hoạt điều chuyển trong phạm vi để làm sao tổng mức không quá mức cần thiết. Tức là, địa phương không được lạm dụng quyền linh hoạt để hưởng lợi. Địa phương được trao quyền chủ động để giải quyết công việc cho phù hợp nhưng địa phương muốn làm tốt thì phải có giải pháp giám sát thỏa đáng.

Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112,8 km, qua TP Hà Nội 58,2 km, Hưng Yên 19 km, Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7 km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên. Tuyến đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến trên 85.000 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2027.

Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT), trong đó tỷlệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.

Đường vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài 76,34 km với điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành (huyện Bến Lức, Long An). Dự án được đầu tư công, tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Dự kiến, công tác chuẩn bị dự án được thực hiện trong giai đoạn 2022-2023; triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ quý III/2022 để hoàn thành vào quý II/2024. Việc xây dựng hệ thống đường cao tốc và đường song hành sẽ được khởi công vào quý IV/2023 và hoàn thành cơ bản tuyến cao tốc năm 2025, hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.

Nguồn dẫn: Hồng Quân/ Kinh tế Chứng khoán

Link bài gốc: http://ktck.vietnewscorp.vn/