Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 13.181 tỷ đồng, liên danh nhà đầu tư gồm: Đèo Cả, Văn Phú – Invest, Phú Mỹ, Thành Lợi.
Chiều 24/2, UBND tỉnh Cao Bằng và liên danh nhà đầu tư, gồm: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Thương mại – Đầu tư xây dựng Thành Lợi và Công ty CP đầu tư Văn Phú – Invest đã ký thỏa thuận cam kết hợp tác đầu tư dự án đường bộ cao tốc Đông Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là dự án thuộc nhóm A được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020. Điểm đầu dự án tại nút giao tuyến kết nối cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam thuộc địa phận huyện Văn Lãng (Lạng Sơn); điểm cuối tại khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh (Trùng Khánh).
Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) và do UBND tỉnh Cao Bằng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (2021- 2025) của dự án là 13.181 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 6.580 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 4.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu nhà đầu tư là 1.230 tỷ đồng và phần vốn huy động khác là 5.371 tỷ đồng.
Ngoài phần vốn ngân sách nhà nước và vốn chủ sở hữu nhà đầu tư, phần vốn huy động khác sẽ được nhà đầu tư huy động bằng hình thức vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).
Liên danh nhà đầu tư Đèo Cả, Văn Phú – Invest, Phú Mỹ, Thành Lợi cam kết tham gia phần vốn hợp tác đầu tư (BCC) là 2.685 tỷ đồng và cùng với UBND tỉnh Cao Bằng để huy động phần còn lại khoảng 2.685 tỷ đồng (vốn tín dụng) để thực hiện dự án.
Phát biểu tại lễ ký thỏa thuận, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả (đại diện liên danh nhà đầu tư) đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể tới HĐND, UBND tỉnh Cao Bằng và Chính phủ nhằm tạo điều kiện để “khơi thông” cho dự án.
Cụ thể, liên danh nhà đầu tư kiến nghị vấn đề bố trí và giải ngân vốn đúng tiến độ theo nhu cầu của dự án, trong đó ưu tiên giải phóng mặt bằng – tái định cư trong năm 2022.
Liên danh nhà đầu tư cũng kiến nghị được giải quyết các thủ tục đầu tư để triển khai đảm bảo tiến độ các dự án kết nối cao tốc, các dự án bất động sản, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, khu kinh tế cửa khẩu nhằm tạo nguồn lực cho tỉnh Cao Bằng và các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án cao tốc.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng mong được xem xét các cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu cho dự án theo luật PPP và nguồn chi trả kinh phí xử lý cho phần giảm doanh thu từ nguồn ngân sách địa phương làm cơ sở ký kết hợp đồng dự án, hợp đồng tín dụng và cho doanh nghiệp huy động các nguồn vốn hợp pháp như cổ phiếu, trái phiếu…
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng mong các cơ quan chức năng thống nhất với nhà đầu tư để phê duyệt tiến độ thực hiện dự án, xác định trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó bao gồm của tỉnh, nhà đầu tư để công khai cho nhân dân giám sát, có chế tài thưởng phạt hay xử lý kỷ luật làm cơ sở thúc đẩy tiến độ dự án.
Nguồn dẫn: Chí Bình/ Tạp chí Đầu tư Tài chính
Link bài gốc: https://vietnamfinance.vn/deo-ca-van-phu-invest-phu-my-thanh-loi-bat-tay-lam-cao-toc-dong-dang-tra-linh-hon-13100-ty-20180504224265336.htm