Chính phủ dự kiến phần vốn nhà nước bổ sung cho Dự án sẽ cân đối từ “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội”, tuy nhiên nội dung này vẫn đang nghiên cứu.
Chính phủ dự kiến phần vốn nhà nước bổ sung cho Dự án sẽ cân đối từ “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội”, tuy nhiên, hiện nay, nội dung này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đó là lưu ý của Ủy ban Kinh tế khi thẩm tra Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 10/12.
Đây là công trình quan trọng quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án nhằm cụ thể hóa Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII, Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó xác định “Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông”.
Quy mô chưa phù hợp
Về các vấn đề cụ thể, liên quan đến quy mô đầu tư, Chính phủ đề xuất phương án giải phóng mặt bằng Dự án theo quy mô 4 – 6 làn xe hoàn chỉnh (đối với quy mô 4 làn xe mặt đường là 24,75 m, sẽ bao gồm 4 làn xe và 02 làn dừng xe khẩn cấp và đối với quy mô 6 làn xe mặt đường là 32,25 m, sẽ bao gồm 6 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp).
Tuy nhiên, giai đoạn phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe với mặt đường 1 7m (không có 2 làn dừng xe khẩn cấp), tốc độ thiết kế 80 – 120 km/h cho tất cả các đoạn của Dự án.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, việc đầu tư theo quy mô này chưa phù hợp theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5729 : 2012) về đường ôtô cao tốc, với yêu cầu tốc độ thiết kế 80 – 120 km/h của 4 làn xe thì yêu cầu mặt đường phải là 24,75m (bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp).
Hơn nữa, việc đầu tư theo quy mô mặt đường 17m đến nay vẫn chưa được đánh giá, tổng kết. Thực tế, hiện nay đa số các tuyến đường cao tốc hiện hữu đều có 02 làn dừng xe khẩn cấp và đạt tốc độ khai thác từ 100 km/h trở lên.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, mặc dù việc đầu tư theo quy mô mặt đường 17 m sẽ đáp ứng tổng mức đầu tư Dự án nhưng với quy mô này sẽ làm giảm hiệu quả khai thác tuyến đường khi tốc độ khai thác chỉ đạt khoảng 80 km/h. Với hiện trạng về phương tiện, kinh nghiệm quản lý, ý thức tham gia giao thông hiện nay, việc đầu tư theo quy mô này sẽ gây nguy cơ cao mất an toàn giao thông, giảm hiệu quả khai thác, tốn kém hơn khi mở rộng ở giai đoạn sau.
Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị trong giai đoạn này cần cân nhắc đầu tư Dự án theo quy mô 4 làn xe 24,75 m, đây cũng là khuyến nghị của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Cần đề xuất giải pháp huy động nguồn vốn ngoài nhà nước
Với hình thức đầu tư, Chính phủ đề nghị đầu tư công toàn bộ, có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với kỳ vọng tạo đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân nên cần tiếp tục quán triệt chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, tiếp tục đẩy mạnh huy động đầu tư tư nhân.
Vì vậy, Chính phủ cần xem xét, rà soát các khó khăn, vướng mắc của Dự án để có cơ chế phù hợp, tiếp tục thực hiện thành công chủ trương này. Theo đó, cân nhắc xây dựng cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư công để hình thành quỹ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với lãi suất ưu đãi để nhà đầu tư tư nhân tiếp cận tham gia đầu tư Dự án.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, thị trường vốn còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa thông qua thị trường vốn để huy động vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng mà chủ yếu là huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, cùng với những bất cập nêu trên vẫn chưa được khắc phục thì khả năng các ngân hàng thương mại cho các nhà đầu tư vay vốn để thực hiện Dự án theo phương thức PPP là rất thấp. Do đó, việc Chính phủ đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công để bảo đảm tiến độ cho Dự án là có cơ sở.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế lưu ý, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, trong đó đã phân bổ vốn cho rất nhiều các dự án giao thông đường bộ sẽ được đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có Dự án. Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước cho các dự án giao thông PPP đã được Quốc hội phân bổ vốn theo kế hoạch. Đồng thời, cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế của các dự án giao thông BOT thời gian qua.
Về nguồn vốn và giải ngân vốn, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Chính phủ dự kiến phần vốn nhà nước bổ sung cho Dự án sẽ cân đối từ “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội”, tuy nhiên hiện nay nội dung này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ông Thanh đề nghị Chính phủ cần tính toán kỹ, đề xuất danh mục chi tiết những dự án nào đáp ứng các tiêu chí, nguyên tắc nêu trên và bảo đảm điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn đầu tư công phát triển kết cấu hạ tầng trong Chương trình, xây dựng phương án phân bổ vốn hợp lý. Ưu tiên các dự án đang triển khai giải ngân tốt, có khả năng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, vừa phát huy hiệu quả của chính sách kích thích kinh tế trong giai đoạn 2022-2023, vừa bảo đảm nguồn vốn để triển khai các dự án thành phần trong Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và làm rõ phương án bố trí vốn hằng năm và khả năng giải ngân vốn đầu tư để bảo đảm tiến độ cho Dự án.
Cơ quan thẩm tra còn lưu ý, về tiến độ hoàn thành Dự án, theo kế hoạch Dự án cần khoảng 3 năm để khởi công và khoảng 3 năm để thi công , khả năng đến năm 2027 mới hoàn thành. Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh lại tiến độ hoàn thành của Dự án là năm 2025.
Nguồn dẫn: Nguyễn Lê/ Báo Đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/tinh-toan-ky-von-dau-tu-cho-cao-toc-bac—nam-giai-doan-2-d157243.html