UBND thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu trong giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển khoảng 44 triệu m2 nhà ở với tổng nhu cầu vốn dự kiến khoảng 437.000 tỷ đồng; diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt 29,5m2 sàn/người…

Đây là một trong những nội dung tại Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2025 do UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành.

Theo quyết định này, Hà Nội đã đưa mục tiêu: tỷ lệ các loại nhà ở cần đầu tư xây dựng trong các dự án tại các khu vực có khả năng bố trí nhà ở xã hội theo quy hoạch là 90% nhà ở chung cư; 10% là nhà ở riêng lẻ. Tỷ lệ diện tích sàn nhà ở để cho thuê trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải đạt tối thiểu 30% tổng diện tích sàn tại dự án.

Năm 2022, toàn thành phố sẽ phát triển 8.419.000m2 sàn nhà ở, trong đó, có 241.000m2 sàn nhà ở xã hội, 152.000m2 sàn nhà ở tái định cư, 3.526.000m2 sàn nhà ở thương mại, 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ;

Năm 2023, phát triển 9.514.000m2 sàn nhà ở, trong đó, có 192.000m2 sàn nhà ở xã hội, 88.000m2 sàn nhà ở tái định cư, 4.734.000m2 sàn nhà ở thương mại, 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ;

Năm 2024, phát triển 9.696.000m2 sàn nhà ở, trong đó, có 239.000m2 sàn nhà ở xã hội, 92.000m2 sàn nhà ở tái định cư, 4.865.000m2 sàn nhà ở thương mại, 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ;

Năm 2025, phát triển 11.104.000m2 sàn nhà ở, trong đó, có 409.000m2 sàn nhà ở xã hội, 122.000m2 sàn nhà ở tái định cư; 5.992.000m2 sàn nhà ở thương mại và 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ.

Để triển khai kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến cần khoảng 437.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 5.800,8 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, phát triển nhà ở xã hội và phục vụ công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; Nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách thành phố khoảng 550,2 tỷ đồng và chi phí thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng vốn ngân sách thành phố khoảng 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện đầu tư, xây dựng nhà ở thương mại; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhà ở tái định cư…

Liên quan đến việc phát triển nhà ở, mới đây, UBND TP. Hà Nội cũng đã có văn bản trả lời ý kiến cử tri liên quan đến đề nghị thu hồi các dự án đô thị chậm triển khai trên địa bàn huyện và các dự án trong khu công nghiệp Quang Minh.

Thành phố cho biết, trên địa bàn huyện Mê Linh sau thời điểm hợp nhất, mở rộng Thủ đô có 51 dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất khoảng 1.759,5 ha. Có 50 dự án đã được giao chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cho phép đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Trong số đó có 3 dự án mới giao chủ đầu tư, chưa được chấp thuận đầu tư, cho phép đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư là Khu đô thị mới Mê Linh – Đại Thịnh; Khu đô thị mới Thanh Lâm – Đại Thịnh; Mở rộng dự án khu đô thị Cienco 5 tại huyện Mê Linh; một dự án chưa được giao chủ đầu tư, đang nghiên cứu lập quy hoạch là Khu nhà vườn, chung cư phục vụ cho người thu nhập thấp.

Có 20 dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án với tổng số tiền đã nộp khoảng 678 tỉ đồng, 8 dự án đã hoàn thành một phần nghĩa vụ tài chính với tổng số tiền khoảng 252 tỉ đồng, còn nợ khoảng 367 tỉ đồng; 23 dự án chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính do chưa có cơ sở quản lý thu.

Về việc thu hồi dự án, UBND TP. Hà Nội cho biết đã ban hành quyết định thu hồi 4 dự án do các nhà đầu tư 10 năm không triển khai thực hiện hoặc có văn bản đề nghị trả lại, xin dừng thực hiện dự án. Đó là các dự án: Khu đô thị mới Prime Group; Khu đô thị mới Vinalines, Khu đô thị mới BMC; Khu đô thị mới Việt Á.

Riêng đối với dự án khu đô thị mới Vinalines, UBND TP. Hà Nội đã có chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện quyết định thu hồi 12 tháng do có khiếu nại, kiến nghị của nhà đầu tư.

Nguồn dẫn: Phan Nam/ Tạp chí Kinh tế Việt Nam

Link bài gốc: https://vneconomy.vn/ha-noi-can-437-000-ty-dong-de-phat-trien-44-trieu-m2-nha-o-trong-4-nam-2021-2025.htm