Tổng tài sản của riêng Phúc Khang Corporation (công ty mẹ) đã lên tới hơn 3.400 tỷ đồng, tương ứng khoảng 150 triệu USD. Nếu gộp chung với các công ty con, ước tính khối tài sản của vợ chồng bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Trần Tam có thể cán mốc nửa tỷ USD.

“Nữ tướng” đằng sau thành công của Phúc Khang Corporation

Nhắc tới Phúc Khang Corporation, ngoài sự tán phục về một doanh nghiệp tư nhân nổi danh trên thị trường địa ốc phía Nam, thì cũng không thể không ấn tượng bởi khả năng chèo lái của “nữ tướng” Lưu Thị Thanh Mẫu, người đứng sau thành công của “ông lớn” bất động sản này.

Bà Thanh Mẫu sinh ngày 15/7/1978, từng tốt nghiệp hai trường đại học thuộc khối xã hội là Đại học Luật TP. HCM và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tuy nhiên bà lại có niềm đam mê sâu sắc với nghề bất động sản.

Ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường, bà Thanh Mẫu đã buổi học, buổi làm, không ngại gian khó để tích góp thêm kinh nghiệm cho con đường kinh doanh địa ốc phía trước. Ở tuổi 30, với lượng kiến thức tích lũy được, cùng với sự động viên, hỗ trợ của gia đình, bà Thanh Mẫu và chồng là ông Trần Tam (1974) đã lập nên Công ty Dịch vụ Bất động sản Phúc Khang, nền móng của đế chế Phúc Khang Corporation ngày nay, với hướng đi ban đầu là tập trung vào đất nền vùng ven tại khu vực phía Nam.

Thời điểm ra đời của Công ty Phúc Khang khá đặc biệt, vào cuối tháng 4/2009, giai đoạn đầy khó khăn của nền kinh tế, của thị trường bất động sản khi trở nên “nguội lạnh” hơn bao giờ hết trước tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Nhiều doanh nghiệp thời điểm đó phải chật vật xoay xở, thậm chí buộc phải rời bỏ thị trường từng rất sôi động này. Trong một lần trả lời phỏng vấn, bà Thanh Mẫn cũng thừa nhận đây là bước đi mạo hiểm của giới chủ Phúc Khang Corporation.

Tới nay, trải qua hơn thập kỷ dấn thân, lăn lộn thương trường thì Phúc Khang Corporation đã vươn lên trở thành một trong những “ông lớn” của thị trường bất động sản phía Nam, chủ đầu tư của nhiều dự án tầm cỡ. Không chỉ thành công với dòng sản phẩm khu đô thị vùng ven, bà Thanh Mẫn còn để lại nhiều dấu ấn với dòng sản phẩm bất động sản xanh, công trình xanh của mình.

Dự án Diamond Lotus Riverside

Bà Thanh Mẫn từng nói, công trình xanh là dòng sản phẩm địa ốc ra đời với mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc, sức khỏe và nâng cấp tiêu chuẩn sống của người dân Việt Nam. Những công trình xanh của Phúc Khang Corporation kỳ vọng mang tới môi trường sinh thái, gần gũi với thiên nhiên cho các khách hàng.

Trong đó, phải kể tới một số dự án như Diamond Lotus Riverside, Diamond Lotus Lakeview (TP. HCM), Làng Sen Việt Nam (Long An). Thành công của bà Thanh Mẫn tại Phúc Khang Corporation đã nhận được sự công nhận của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp thông qua nhiều giải thưởng dành tặng cho cá nhân bà, ví dụ như giải thưởng Sao Đỏ do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao tặng vào năm 2019.

Hé mở khối tài sản trăm triệu USD của Phúc Khang Corporation

Minh chứng cụ thể hơn cho những thành công của Phúc Khang Corporation, theo thông tin mà VietnamFinance có được, nguồn lực và khối tài sản của doanh nghiệp đã liên tục mở rộng trong những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, tổng tài sản của Phúc Khang Corporation (Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang) đạt 1.737 tỷ đồng vào cuối năm 2016 và tăng nhẹ lên 1.779 tỷ đồng ở năm kế tiếp. Đến năm 2018, khối tài sản đã gần cán mốc 2.000 tỷ đồng và bắt đầu tăng phi mã” lên 2.590 tỷ đồng và 3.418 tỷ đồng trong hai năm 2019-2020. Như vậy, khối tài sản đã tăng gấp đôi chỉ sau 3 năm trở lại đây, quy đổi theo giá trị ngoại tệ vào khoảng 150 triệu USD.

Trong đó, hàng tồn kho của doanh nghiệp chiếm tỷ trọng khá thấp, lần lượt ở mức 515 tỷ đồng, 494 tỷ đồng, 469 tỷ đồng, 633 tỷ đồng và 695 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020. Còn lại chủ yếu nằm ở các khoản phải thu ngắn và dài hạn.

Đối ứng bên nguồn vốn, phần lớn cấu thành từ nợ phải trả với cán cân chênh lệch giữa nợ và vốn chủ sở hữu lên tới hơn 9 lần trong suốt 3 năm 2016, 2017 và 2018, tương ứng độ rộng vào khoảng trên dưới 1.600 tỷ đồng.

Để tránh các rủi ro về tài chính, vợ chồng bà Thanh Mẫn bắt đầu rót thêm vốn vào Phúc Khang Corporation từ năm 2019 sau khi duy trì mức vốn điều lệ 200 tỷ đồng trong nhiều năm ròng. Ở cú tăng vốn gần nhất vào cuối tháng 2 vừa rồi, vốn đầu tư của chủ sở hữu đã lên tới 2.000 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần chỉ sau 2 năm.

Cùng với đó, Phúc Khang Corporation cũng giảm áp lực của các khoản nợ ngắn hạn, nợ vay dài hạn và qua đó tỷ lệ D/E (nợ phải trả/vốn chủ sở hữu) đã dần được thu hẹp, thời điểm cuối năm 2020 về còn 0,7 lần, một chỉ số khá lành mạnh.

uy nhiên, điểm cần lưu tâm đó là kết quả kinh doanh của Phúc Khang Corporation (công ty mẹ) lại khá mờ nhạt. Doanh thu thuần đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây vào năm 2017 với 132 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.

Quãng thời gian sau đó, nguồn thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ liên tục suy giảm, năm 2019 chỉ còn 55 tỷ đồng, bằng 65% mức thực hiện của năm trước đó. Nhưng đã dần hồi phục với 89,6 tỷ đồng vào cuối năm vừa rồi.

Trước các chi phí vận hành nặng gánh, dù cho biên lãi gộp khá tốt song Phúc Khang Corporation chỉ thu về khoản lợi nhuận sau thuế “mỏng manh” với 208 triệu đồng, 1,1 tỷ đồng, 1,4 tỷ đồng, 2,4 tỷ đồng và 8,6 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020. Đó là “điểm gợn” về khả năng sử dụng vốn của doanh nghiệp này.

Chưa dừng lại ở đó, một số công ty con của Phúc Khang Corporation cũng đang phát đi tín hiệu kém tích cực về khả năng tạo ra lợi nhuận. Xét riêng năm 2020, đơn cử là Công ty TNHH Đầu tư Phúc Khang Sen Việt L.A chỉ có lãi ròng 1,3 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản đạt 1.186 tỷ đồng; hay như Công ty TNHH MTV Quản lý Đầu tư Phúc Khang với tài sản lên tới 1.868 tỷ đồng nhưng lãi vẻn vẹn 992 triệu đồng…

(Còn nữa)

Nguồn dẫn: Việt Anh/ Tạp chí Đầu tư tài chính

Link bài gốc: https://vietnamfinance.vn/khoi-tai-san-dac-biet-cua-bong-hong-quyen-luc-luu-thi-thanh-mau-20180504224261172.htm