Từ đầu năm 2021 đến nay, tiến độ thực hiện bàn giao mặt bằng cho tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đã chậm lại, chỉ tăng thêm 19 trường hợp, chiếm 3,15%, do vướng mắc đề bù tại quận 3 chưa được phê duyệt.

Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số Metro số 2 có tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là hơn 47.890 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của nhà tài trợ là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.

Theo kế hoạch, dự án sẽ tổ chức thi công giai đoạn 2022-2026, kiểm tra, vận hành chạy thử và bàn giao khai thác vào cuối năm 2026. Tuy nhiên, hiện nay, mặt bằng bàn giao cho dự án vẫn còn đang ì ạch, mới đạt gần 80%

Tuyến Metro số 2 đi qua quận 1, 3, 10, 12, quận Tân Bình và quận Tân Phú, có tổng diện tích thu hồi 251.136m2, với 603 trường hợp bị ảnh hưởng. Hiện các quận cơ bản đã hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường cho 601/603 trường hợp (trừ quận 3, các quận còn lại đều đạt 100%).

Cụ thể, quận Tân Bình đã bàn giao mặt bằng 2 nhà ga (S10-Phạm Văn Bạch; S11-Tân Bình); quận Tân Phú bàn giao mặt bằng 3 nhà ga (S9-Bà Quẹo; S10; S11) và đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương; quận 10 đã bàn giao mặt bằng 2 nhà ga (S3-Dân Chủ; S5-Lê Thị Riêng) và quận 12 bàn giao đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương.

Theo kế hoạch, các địa phương sẽ bàn giao mặt bằng còn lại cho MAUR trong quý 4 năm nay. Riêng mặt bằng dự án tại quận 3 chưa rõ ngày bàn giao do hệ số giá đất điều chỉnh tại quận này chưa được phê duyệt. Hiện, đoạn qua quận 3 có 113 trường hợp cần giải tỏa, hiện có 37 trường hợp bàn giao mặt bằng.

Lý do việc chậm bàn giao mặt bằng là do năm 2020, UBND TP.HCM duyệt chính sách bồi thường lần thứ 2 áp dụng cho 5 quận (trừ quận 3), với giá bồi thường cao hơn và nhiều quy định có lợi hơn cho người dân. Tuy nhiên, giá bồi thường khu vực quận 10 lại cao hơn quận 3 khoảng 30% dù 2 địa bàn này giáp ranh với nhau. Phía quận 3 cho rằng, trong cùng một dự án nhưng áp dụng chính sách bồi thường, mức giá khác nhau là không bảo đảm tính thống nhất pháp lý. Do đó, UBND quận 3 kiến nghị UBND TP.HCM xác định lại giá đất bồi thường trên địa bàn quận 3 để bảo đảm công bằng cho người dân bị thu hồi đất. Sau khi được phê duyệt giá bồi thường mới, tính toán của UBND quận 3 cho biết, khoảng 90 ngày sẽ hoàn thành việc bồi thường, bàn giao mặt bằng cho tuyến Metro số 2.

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), từ đầu năm 2021 đến nay, tiến độ thực hiện bàn giao mặt bằng đã chậm lại, chỉ tăng thêm 19 trường hợp, chiếm 3,15%, do hệ số giá đất cụ thể tại quận 3 chưa được phê duyệt, một số trường hợp chưa bàn giao mặt bằng do các hộ chưa chấp nhận giá bồi thường.

Ngoài ra, do TP.HCM tập trung tổng lực cho việc phòng, chống dịch COVID-19 nên ảnh hưởng chung tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vì không trực tiếp tiếp xúc vận động người dân nhận kinh phí bồi thường và bàn giao mặt bằng.

Trước tình hình trên, MAUR đã kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở TN&MT TP.HCM khẩn trương giải quyết việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất tại quận 3. Đồng thời, các quận tăng cường vận động người dân bàn giao mặt bằng để thu hồi đất thực hiện dự án.

Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá không chỉ ì ạch, kế hoạch giải phóng mặt bằng tuyến Metro số 2 còn đang đi theo “vết xe đổ” của Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), tức là, công trình thi công đến giai đoạn cuối mới tính đến xây dựng các dự án khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga. Vị kiến trúc sư cho rằng, metro không chỉ là phương tiện đi lại thuần túy mà phải là tổ hợp đa chức năng, vừa phục vụ đi lại, phục vụ giãn dân, vừa là nút giao thông và cả nút thương mại… Do đó, công tác này phải được tính toán ngay trong thiết kế ban đầu.

“Giải phóng mặt bằng không phải chỉ lấy đất làm nhà ga mà còn cần tính toán đến đất để xây dựng cả mạng lưới xe buýt kết nối. Tuyến này đi qua khu vực dân cư đông đúc, mật độ xây dựng cao, nếu không sớm có kế hoạch chuẩn bị đất, sau này không có đường cho phương tiện kết nối thì hiệu quả khai thác sẽ rất thấp”, KTS Nam Sơn lưu ý.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức nhận định, các tuyến metro muốn khai thác hiệu quả phải phát triển theo mô hình kết hợp phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng với các hoạt động dịch vụ, kinh tế, cho tư nhân tham gia hình thành các khu trung tâm thương mại tại mỗi nhà ga để trợ giá hoạt động của metro. Vì vậy, cần thiết kế ngay từ ban đầu để hình thành dự án giải phóng mặt bằng và phải làm nhanh vì để càng lâu, đất càng tăng giá và khi người dân xây nhà cao tầng tràn lan, rất khó thu hồi.

Nguồn dẫn: Đình Nguyên/ Nhà đầu tư

Link bài gốc: https://nhadautu.vn/mat-bang-cho-tuyen-metro-so-2-van-cham-d59797.html