Sở QH-KT TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM dự thảo quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM, trong đó phân khu 1 (lõi trung tâm của trung tâm hiện hữu 930 ha) sẽ lấy công viên 23-9 làm điểm nhấn chính.
Cụ thể, không gian mở tại Công viên 23-9 sẽ được lấy làm điểm nhấn chính, trung tâm kết nối với các không gian quảng trường, không gian ngầm, không gian các công trình văn hóa, các công trình kiến trúc di tích lịch sử… Thông qua các trục cảnh quan, trục đi bộ, trục giao thông chính, tất cả sẽ tạo nên một chỉnh thể vừa phát huy được vai trò lõi trung tâm, vừa đảm bảo sự phát triển bền vững cho đô thị. Trong ảnh là phối cảnh các khu vực xung quanh công viên này.
Chức năng công trình quanh khu vực công viên 23-9. TP.HCM cho phép chiều cao và mật độ phát triển dọc theo công viên 23-9 cao với mục đích: Tận dụng bóng mát từ công trình tỏa xuống công viên để giảm nhiệt độ công viên; thu hút người trong các tòa nhà đến với công viên; tạo cảm giác được bao bọc như một sân trong của thành phố.
Trước đó, năm 2019, Sở QH-KT TP.HCM công bố kết quả cuộc thi quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Công viên 23-9, dù không có giải nhất nhưng sẽ kết hợp hai giải nhì và ba để hình thành công viên trong tương lai. Trong ảnh là hình ảnh đạt giải nhì.
Công viên 23-9 trong tổng thể công viên và khu quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ. Theo dự thảo của Sở QH-KT TP.HCM, chiều cao công trình cho phép quanh công viên 23-9 có thể lên đến 100m. Ngoài ra là ưu đãi về hệ số sử dụng đất. Các kết cấu liên quan đến bãi đậu xe ngầm, trung tâm thương mại và nhà ga như tháp thông gió, cầu thang bộ hay đèn hiệu không được cao hơn 4m.
Ngoài ra dự thảo Quy chế Quản lý kiến trúc TP.HCM cũng đưa ra những điểm cần lưu ý với các khu vực quan trọng khác như khu quanh chợ Bến Thành trong hình.
TP nghiêm cấm việc tháo dỡ các công trình đóng góp vào giá trị lịch sử của thành phố khu vực này. Bất kỳ sửa đổi nào liên quan đến mặt tiền của các công trình này chỉ được thực hiện nếu không ảnh hưởng đến thiết kế và hình dáng nguyên thủy của công trình. Không cho phép bố trí thêm tầng cao hoặc kết cấu mái cho các công trình được xác định có vai trò đóng góp vào nguồn lực lịch sử. Trong ảnh phần màu đỏ là các công trình lịch sử của khu vực chợ Bến Thành.
Bên cạnh Nhà hát thành phố và UBND TP, khu vực xung quanh Nhà hát thành phố và giao lộ Nguyễn Huệ – Lê Lợi có cảnh quan được tôn tạo bởi nhiều công trình lịch sử khác nhau, hiện nay vốn còn sót lại rất ít trên thế giới. Trong khu vực này, các công trình bị giới hạn chiều cao tối đa 30m để duy trì và tôn vinh giá trị của những di sản lịch sử này. Đối với các công trình tại giao lộ Nguyễn Huệ – Lê Lợi, góc đường phải uốn cong theo hình cong của các mặt tiền hiện hữu.
Đường Đồng Khởi cũng được chia thành nhiều khu và các nút. Ví dụ khu A thì – Tầng trệt có chiều cao 4m và khoảng lùi tối thiểu là 1,5m., chiều cao khối bệ là 15m, phần tháp cao trên 15m phải có thêm khoảng lùi ít nhất là 10m. Khu B thì tầng trệt có chiều cao từ 4m-6m và khoảng lùi tối thiểu 5m, chiều cao khối đế không vượt quá 30m, phần tháp cao trên 30m phải có thêm khoảng lùi ít nhất là 5m.
Phối cảnh giao thông đường Nguyễn Huệ. Theo quy hoạch, dưới đường Nguyễn Huệ sẽ là trung tâm thương mại ngầm tại tầng hầm đầu tiên và hai hoặc ba tầng giữ xe ở phía dưới. Các công trình phụ phải được xây dựng trong vùng cho phép xây dựng với độ cao tối đa là 3m (Công trình phụ bao gồm kiosk, quán cafe, đèn hiệu, mái…). Kết cấu liên quan đến bãi đậu xe ngầm như cầu thang bộ, hệ thống thông gió, máy móc thiết bị… phải được đặt trong vùng cho phép xây dựng. Đường này cũng sẽ tháo dỡ công trình tượng đài phía trước Sunwah Tower để đảm bảo tầm nhìn.
Đường Lê Lợi đóng vai trò quan trọng là trục kết nối thị giác và vật thể giữa khu vực chợ Bến Thành và Nhà hát thành phố. Lưu lượng xe hơi phải được hạn chế đến mức tối thiểu tại điểm cuối là Quảng trường chợ Bến Thành. Bố trí dải phân cách rộng 22m (không được lắp đặt kết cấu cố định nào) nhằm bảo đảm tầm nhìn từ chợ Bến Thành đến Nhà hát thành phố.
Khu Lê Lợi mở rộng sẽ từ phía sau Nhà hát thành phố ra đến đường Tôn Đức Thắng. Tương tự đường Lê Lợi hiện hữu (đoạn từ chợ Bến Thành đến đường Nguyễn Huệ), đường Lê Lợi mở rộng sẽ trở thành một trong những trục cây xanh chính, tuyến đường điểm nhấn và sôi động nhất trong khu thương mại – tài chính này. Hầu như toàn bộ Khu Lê Lợi mở rộng là công trình nhà phố thấp tầng dày đặc, khu vực này sẽ được phân chia thành 4 tiểu khu theo đặc điểm không gian hiện hữu. Các công trình đang tồn tại dọc tuyến Lê Lợi mở rộng phải được xây dựng lại.
Nguồn dẫn: Kiên Cường/ Báo Pháp luật TPHCM