Để thực hiện dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GT-VT) đã có tờ trình đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Đề xuất vay hơn 10,2 ngàn tỷ đồng của JICA

Đầu tháng 10 vừa qua, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã có Tờ trình số 2735/PMUMT-KTTH đề xuất dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Cùng với đó, đơn vị cũng đề nghị Bộ GT-VT xem xét có văn bản gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính về đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây theo phương án sử dụng nguồn vốn ODA của JICA để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, theo tờ trình của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án), dự án sẽ đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đoạn từ nút giao An Phú, TP.Thủ Đức (TP.HCM) đến H.Long Thành dài 23,76km từ 4 làn xe hiện hữu lên 8 làn xe. Riêng cầu Sông Tắc mở rộng lên 10 làn xe, cầu Long Thành 9 làn xe (gồm 5 làn xe chiều TP.HCM đi H.Long Thành và 4 làn xe chiều ngược lại); tốc độ thiết kế 100-120 km/giờ. Dự kiến tổng mức đầu tư cho đoạn tuyến đề xuất mở rộng khoảng 13 ngàn tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đoạn đầu cầu Long Thành (phía Đồng Nai) sẽ giải phóng mặt bằng bổ sung đường đầu cầu Long Thành phía bên phải tuyến. Đoạn còn lại đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ không thực hiện giải phóng mặt bằng bổ sung do trong giai đoạn 1 đã hoàn chỉnh giải phóng mặt bằng rộng 63m đủ mở rộng 10 làn xe.

Về nguồn vốn thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất vay ODA của JICA dự kiến hơn 10,2 ngàn tỷ đồng. Số vốn còn lại hơn 2,7 ngàn tỷ đồng là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. “Thời gian thực hiện dự án dự kiến là 5 năm sau khi hiệp định vay cho dự án có hiệu lực” – ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, phương án vay ODA để thực hiện dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có ưu điểm là triển khai được ngay, không phụ thuộc vào nguồn vốn khu vực tư nhân, không phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro, từ đó đẩy nhanh tiến độ dự án. Đặc biệt, theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, vào ngày 3-6-2020, trong chuyến thị sát hiện trường tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, ông Akira Shimizu, Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho biết, JICA rất quan tâm tài trợ vốn cho dự án mở rộng tuyến cao tốc này. Ngay sau đó, đơn vị đã có văn bản gửi JICA đề nghị xem xét tài trợ vốn đầu tư dự án.

* Hoàn thiện kết nối giao thông cho sân bay Long Thành

Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được chính thức vận hành toàn tuyến vào năm 2015. Từ khi đi vào hoạt động, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã giúp kết nối giao thông, kinh tế các tỉnh miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, TP.HCM và Tây nguyên.

Tuy nhiên, sau 5 năm đi vào khai thác, tuyến đường cao tốc này hiện rơi vào tình trạng quá tải. Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), năm 2015, tức năm đầu đưa vào khai thác, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây phục vụ gần 10 triệu lượt phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, đến năm 2019, số lương phương tiện lưu thông trên tuyến đã đạt khoảng 16,5 triệu lượt. Như vậy, mức tăng trưởng lưu lượng bình quân của tuyến cao tốc này đạt khoảng 10%/năm. Hiện nay, trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, nhất là đoạn từ quốc lộ 51 về TP.HCM. Tình trạng kẹt xe diễn ra trầm trọng nhất vào các dịp lễ, tết khi lượng phương tiện lưu thông gia tăng đột biến.

Từ thực tế này, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây từ 4 làn xe như hiện tại lên 10-12 làn xe theo quy hoạch đã được duyệt trước đây.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là tuyến giao thông trục chính kết nối với cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành sau này. Do đó, việc mở rộng quy mô tuyến cao tốc này sẽ đảm bảo việc kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ khi sân bay Long Thành đi vào khai thác.

Trong khi đó, theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có mục tiêu chung là tạo đà, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, phù hợp với quy hoạch và định hướng quy hoạch phát triển giao thông khu vực Đông Nam bộ. Từng bước hoàn chỉnh, hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường bộ kết nối giữa các vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực Nam bộ nói chung và các tỉnh Đông Nam bộ nói riêng theo hướng bền vững, lâu dài.

Về mục tiêu cụ thể, dự án sẽ giúp hoàn thành việc đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, phát huy hiệu quả của dự án kết nối khu vực Đông Nam bộ. Đặc biệt, hoàn thiện, kết nối sân bay Long Thành và các tuyến cao tốc, quốc lộ, giải tỏa ách tắc giao thông trong khu vực.

Do đó, phương án mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được đưa ra trên cơ sở kết hợp kịch bản đầu tư sân bay Long Thành và các tuyến đường trong khu vực theo quy hoạch liên quan đã được duyệt gồm: đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; đường vành đai 3 (đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch); cầu Cát Lái; đường 25C và các tuyến đường sắt…

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đối với phương án giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn qua địa bàn TP.HCM được chia làm 2 đoạn. Trong đó, đoạn từ đầu dự án đến nút giao đường vành đai 2 không phải giải phóng mặt bằng bổ sung do đã được TP.HCM giải phóng trong giai đoạn 1 rộng 116m. Đối với đoạn còn lại, sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng bổ sung thêm mỗi bên 3,5m đối với đoạn từ đường vành đại 2 đến đường vành đai 3; đoạn từ đường vành đai 3 đến sông Đồng Nai sẽ giải phóng mặt bằng thêm 14,75m tính từ ranh giải phóng mặt bằng giai đoạn 1.

 

Nguồn dẫn: Phạm Tùng/ Báo Đồng Nai

Link bài gốc: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202110/du-an-mo-rong-duong-cao-toc-tphcm-long-thanh-dau-giay-tinh-phuong-an-von-3083004/