Khởi công từ tháng 1/2021, sau hơn 8 tháng thi công với 3 gói thầu xây lắp, dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đạt sản lượng thi công khoảng 15,4% giá trị hợp đồng, tăng hơn 6,4% so với đầu tháng 9 nhưng vẫn chậm 0,3% so với kế hoạch.
Thông tin từ Cục Quản lý xây dựng và chất lương công trình giao thông cho biết, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đã được chính quyền địa phương bàn giao hơn 21,2 km, đạt khoảng 92,3%. Phần mặt bằng còn lại của dự án dự kiến hoàn thành bàn giao 100% trong tháng 10.
Khởi công từ tháng 1/2021, sau hơn 8 tháng thi công với 3 gói thầu xây lắp, đến nay sản lượng thi công dự án đạt khoảng 15,4% giá trị hợp đồng, tăng hơn 6,4% so với đầu tháng 9 nhưng vẫn chậm 0,3% so với kế hoạch.
Về nguyên nhân chậm tiến độ chưa đạt kế hoạch đề ra là do dự án gặp khó khăn về vật liệu cát đắp nền đường và ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại các địa phương phải giãn cách xã hội. Tuy vậy, trong tháng 8, 9, các nhà thầu đã triển khai thêm các mũi cắm bấc thấm, phấn đấu hoàn thành trong tháng 10 và đắp cát gia tải chờ lún.
Để đảm bảo bám sát kế hoạch đặt ra, Bộ GTVT tải yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận tiếp tục làm việc với các địa phương để giải quyết dứt điểm những tồn tại về mặt bằng, ưu tiên tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 cho cán bộ, người lao động trên công trường.
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Y tế, các địa phương, đặc biệt là khu vực phía Nam về việc quan tâm, hỗ trợ tiêm vaccine cho cán bộ, người lao động trên công trường trọng điểm nhằm đảm bảo tiến độ thi công, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài gần 23 km đi qua Đồng Tháp và Vĩnh Long. Giai đoạn 1, dự án đầu tư xây dựng 4 làn xe, nền đường rộng 17 m; giai đoạn 2, xây dựng 6 làn xe cao tốc, nền đường 32,25 m. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 4.826 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Khi hoàn thành, tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ kết hợp với tuyến TP.HCM – Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh TP.HCM – Cần Thơ. Vào năm 2023, thời gian đi từ TP.HCM đến Cần Thơ chỉ còn khoảng 2 tiếng so với 4 tiếng như hiện nay. Đồng thời, tuyến cao tốc này góp phần giải quyết nhu cầu vận tải khi tuyến QL1 đã quá tải, thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL.
Nguồn dẫn: Đình Nguyên/ Nhà Đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/sau-hon-8-thang-thi-cong-cao-toc-my-thuan–can-tho-dang-trien-khai-ra-sao-d58727.html