Trong giai đoạn 2021 – 2025, TP Hà Nội dự kiến sẽ khởi công mới 12 công trình giao thông trọng điểm gồm các tuyến đường vành đai, cầu vượt sông Hồng, các tuyến đường sắt đô thị,… với tổng vốn đầu tư khoảng 170.852 tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ hai, khoá XVI diễn ra vào tháng 9 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã xem xét, thảo luận và quyết nghị về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.

Trước đó, trong báo cáo của UBND TP Hà Nội về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 trình HĐND thành phố, dự kiến Hà Nội sẽ triển khai đầu tư 12 dự án giao thông khởi công mới với tổng vốn đầu tư khoảng 170.852 tỷ đồng.

Các dự án trọng điểm, có tính liên kết vùng Trung ương

Quốc lộ 6 qua địa bàn Hà Nội đoạn Ba La – Xuân Mai là một trong những tuyến đường quan trọng tại cửa ngõ phía tây Thủ đô, kết nối Hà Nội với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên.

Vào tháng 5 vừa qua, trong văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 18, HĐND thành phố khóa XV, Hà Nội cho biết quốc lộ 6 đoạn qua đi bàn thị trấn Chúc Sơn đã được UBND thành phố giao UBND huyện Chương Mỹ đầu tư cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác.

Công trình cải tạo quốc lộ 6, đoạn Ba La – Xuân Mai có chiều dài 23,1 km, vốn đầu tư 8.113 tỷ đồng, dự kiến được xây dựng trong giai đoạn 2022 – 2027.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có Tờ trình gửi UBND thành phố thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này.

Tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long, nối quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội  – Hòa Bình có chiều dài 5,5 km, đi qua địa bàn huyện Thạch Thất, dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2026.

Dự án đường vành đai, các trục kết nối, giảm ùn tắc giao thông

Hà Nội có 7 tuyến đường vành đai, trong đó vành đai 4 và vành đai 5 chưa hình thành. Trong 5 tuyến vành đai còn lại (vành đai 1; 2; 2,5; 3 và 3,5), có vành đai 3 đã hoàn thiện, còn lại đều đang xây dựng hoặc chờ dự án.

Ngày 20/9 vừa qua, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 – vùng Thủ đô.

Đây là tuyến vành đai ngoài khu vực nội đô của đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội, liên kết với các tuyến đường bộ cao tốc, các tuyến đường trục hướng tâm, kết nối thành phố Hà Nội với các tỉnh lân cận.

Vào tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Hội. Chiều dài toàn tuyến là 98 km đi qua địa phận TP Hà Nội (56,5 km), Hưng Yên (20,3 km) và Bắc Ninh (21,2 km).

Đoạn đi qua Hà Nội nằm trên địa phận các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai và Thường Tín. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến là 135.000 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp giao cho Hà Nội là 20.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2025.

Theo quy hoạch, đường vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 có chiều dài 3,8 km, vốn đầu tư 1.594 tỷ đồng. Nút giao đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long có vốn đầu tư 2.624 tỷ đồng.

Đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến Pháp – Vân Cầu Giẽ, qua địa phận quận Hà Đông có chiều dài 10,8 km, vốn đầu tư 4.200 tỷ đồng. Công trình dự kiến được xây dựng và hoàn thành từ năm 2022 đến 2026.

Vành đai 2,5 là tuyến đường bổ trợ, kết nối vành đai 2 và 3, đi qua Khu đô thị Tây Hồ Tây – Nguyễn Văn Huyên – Trung Kính – Đầm Hồng – Kim Đồng – Lĩnh Nam. Tuyến đường này được TP Hà Nội quy hoạch đầu tư hơn 10 năm trước với tổng vốn dự kiến hơn chục nghìn tỷ đồng.

Nhiều đoạn của tuyến đường này đã được xây dựng, như đoạn qua Khu đô thị Tây Hồ Tây, đoạn Hoàng Quốc Việt – Cầu Giấy, đoạn Công viên Cầu Giấy – Trung Kính,…

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất của tuyến này là triển khai xây dựng đoạn Đầm Hồng tới Giải Phóng. Dự án này được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) với chiều dài 2,06 km, tổng mức đầu tư hơn 1.300 ty đồng, đến nay sau gần 20 năm vẫn chưa thể hoàn thành.

Dự kiến, trong giai đoạn 2022 – 2026, Hà Nội sẽ triển khai thi công đoạn từ đường Nguyễn Trãi (quốc lộ 6) đến Đầm Hồng, dài 1,5 km, vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng.

Ngoài ra theo kế hoạch, từ năm 2025, TP Hà Nội sẽ chỉnh trang, mở rộng đường Hoàng Đạo Thúy, trục Khương Đình, Định Công trên tuyến vành đai này.

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường 70 đoạn Hà Đông – Văn Điển đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 6/2018.

Tuyến đường có chiều dài 7,5 km, vốn đầu tư khoảng 2.824 tỷ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2026.

Còn dự án nâng cấp đường 70, đoạn từ Nhổn đến Đại lộ Thăng Long – Hà Đông có chiều dài 4,77 km, vốn đầu tư 2.823 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2026.

Tháng 6 vừa qua, UBND Hà Nội ban hành quyết định về việc cho phép thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư một số tuyến đường giao thông khung, công trình thủy lợi quan trọng trên địa bàn, thực hiện đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 từ nguồn vốn ngân sách thành phố; trong đó có tuyến đường 70, đoạn Nhổn – Đại lộ Thăng Long và tuyến đường 70, đoạn Hà Đông – Văn Điển.

Tuyến đường từ vành đai 3 đến đường nối từ đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đến KCN Nam Thăng Long dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2026 trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm với tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng.

Hai cây cầu vượt sông Hồng

Hiện nay, Hà Nội đã có 8 cầu qua sông Hồng gồm cầu Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên và Văn Lang.

Đầu năm nay, thành phố đã khởi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng từ vốn ngân sách. Công trình được xây dựng song song và cách cầu Vĩnh Tuy 1 khoảng 21,25 m về phía hạ lưu sông Hồng.

Theo Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài 9 cây cầu kể trên, Thủ đô sẽ xây thêm 9 cây cầu qua sông Hồng, gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4); Thăng Long mới (Vành đai 3); Tứ Liên; Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5); Trần Hưng Đạo; Phú Xuyên; Vân Phúc (đường trục Bắc – Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).

Tháng 9 vừa qua, UBND TP Hà Nội vừa có quyết định chấp thuận giao CTCP Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP, loại hợp đồng trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.

Giai đoạn 2022 – 2026, Hà Nội dự kiến khởi công xây dựng cầu Thượng Cát và cầu Vân Phúc.

Cầu Thượng Cát nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm. Công trình có chiều dài 4,5 km, vốn đầu tư 9.898 tỷ đồng.

Trong khi đó, cầu Vân Phúc nối huyện Phúc Thọ, Hà Nội với huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc có chiều dài 4 km, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Hai tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai) và số 5

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt vào năm 2011, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội sẽ gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km.

Trong 10 năm qua, hai tuyến đường sắt đang thi công gồm tuyến số 2 (đoạn 2A, Cát Linh – Hà Đông) và tuyến số 3 (đoạn Nhổn – ga Hà Nội). Các tuyến còn lại (Đường sắt đô thị số 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8) đều chưa được triển khai.

Giai đoạn từ nay đến 2026, Hà Nội dự kiến tiếp tục xây dựng tiếp tuyến số 3, đoạn đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai với chiều dài 12,5 km, trong đó, đi trên cao 8,5 km và đi ngầm 4 km.

Đoạn tuyến này sẽ nối dài tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội ở ga Trung tâm (có kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 và tuyến đường sắt quốc gia); kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 tại ga Hàng Bài; tuyến đường sắt đô thị số 4 tại vành đai 2,5; tuyến đường sắt đô thị số 8 tại vành đai 3 tạo nên sự gắn kết của mạng lưới đường sắt đô thị.

Trong khi đó, tuyến số 5 (Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc) dài khoảng 39 km với 21 nhà ga (6 ga ngầm và 15 ga nổi), khởi đầu từ khu vực đường Văn Cao giao với Hoàng Hoa Thám, dự án sẽ đi ngầm qua Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, vành đai 3 và đi nổi từ đại lộ Thăng Long.

Từ nút giao Hòa Lạc (vành đai 4) đến cuối tuyến thuộc thôn Thạch Bình (xã Yên Bình), tuyến số 5 đi trên mặt đất vào dải phân cách giữa của cao tốc quy hoạch Hòa Lạc – Hòa Bình.

Hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thuê tư vấn thẩm tra để thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội “tuyến số 5, Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc”.

Nguồn dẫn: Huy Hoàng – Alex Chu/ Doanh nghiệp niêm yết

Link bài gốc: https://doanhnghiep.kinhtechungkhoan.vn/12-du-an-giao-thong-nghin-ty-dang-va-sap-duoc-rot-von-trien-khai-tai-ha-noi-422021610638072.htm