Các tổ chức đa phương và ngân hàng quốc tế đều đã và đang hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, nhưng vẫn quá lạc quan. Họ kỳ vọng hoạt động kinh tế hồi phục một phần trong quý 4/2021 theo hướng thích ứng an toàn và bình thường mới, phục hồi kinh tế mạnh trong năm 2022…

Ngày 01/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ phối hợp cùng Cơ quan Thường trú Đài Tiếng Nói Việt Nam tại Đồng bằng Sông Cửu Long và Trung tâm Trọng Tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo “Bức tranh Kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo Kinh tế quý 4 và triển vọng năm 2022”.

CÁC NGÀNH QUAN TRỌNG ĐỀU GIẢM TĂNG TRƯỞNG

Đánh giá bức tranh kinh tế Việt Nam dưới tác động của Covid-19, ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Trường chính sách công và Quản lý Fullbright, cho rằng đợt dịch thứ 4 đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế. Đặc biệt, kinh tế Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng mạnh.

Khiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19.

Các ngành quan trọng đều giảm trong quý III: công nghiệp chế biến giảm 3,2%, xây dựng giảm 11,4%, thương mại giảm 19,9%, vận tải giảm 21,1%, thủy sản – 4,9%.

Đi vào cụ thể, theo ông Thành, thương mại – ngành lớn nhất của dịch vụ đang suy giảm mạnh. Doanh số bán lẻ và dịch vụ giảm mạnh trong suốt cả 3 tháng của quý III. 9 tháng năm 2021 đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7%.

Bên cạnh đó, công nghiệp tăng trưởng tốt cho đến tháng 5, chậm lại vào tháng 6, không có tăng trưởng trong tháng 7, giảm mạnh vào tháng 8 và 9.

Sản xuất công nghiệp các tỉnh phía Bắc (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng) phục hồi nhưng suy giảm mạnh ở TP.HCM và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh cho đến tháng 6, nhưng tháng 7 đã chậm lại và tháng 8 và 9 đã suy giảm. Xuất khẩu ước tăng 18,8% trong 9 tháng đầu năm.

Hàng truyền thống thâm dụng lao động (may mặc, giày dép), nội thất và thủy sản giảm mạnh vào tháng 9. Lần lượt là – 18,6%, -44,2%, -35,3%, -26,8%.

Trong lĩnh vực đầu, đợt dịch hiện nay đang làm giảm mạnh đầu tư tư nhân và giải ngân FDI. 9 tháng đầu tư tư nhân tăng thấp (3,9%) và FDI giảm (-3,4%).

Song ông Thành cũng nhấn mạnh, thách thức quý 4/2021 trong xuất khẩu Việt Nam là các tập đoàn đa quốc gia chuyển đơn hàng sản xuất cho dịp lễ cuối năm từ Việt Nam sang các nền kinh tế khác nếu Việt Nam không thích ứng và mở cửa bền vững.

KÍCH HOẠT CÁC BIỆN PHÁP MỞ CỬA

Đánh giá triển vọng nền kinh tế thời gian tới, đại diện Fullbright cho rằng, các tổ chức đa phương và ngân hàng quốc tế đều đã và đang hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, nhưng vẫn  quá lạc quan. Vẫn kỳ vọng hoạt động kinh tế hồi phục một phần trong quý 4/2021 theo hướng thích ứng an toàn và bình thường mới, phục hồi kinh tế mạnh trong năm 2022.

“Nhưng để có tăng trưởng trong năm 2021, chúng ta cần phục hồi trong quý IV bằng việc mở cửa kinh tế từ đầu tháng 10”, ông Thành nhấn mạnh.

Để phục hồi mạnh trong năm 2022, cần mở cửa theo thích ứng an toàn và bình thường mới, tiêm đủ vaccine và mở cửa bình thường mới sau Tết nguyên đán. Nếu tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng thấp, hệ thống y tế không quá tải sau khi tiêm đủ vacxin có thể mở cửa bền vững.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ tiếp tục ở trạng thái hỗ trợ kinh tế, đảm bảo thanh khoản dồi dào; thực hiện chính sách tài khóa: kích cầu tăng trưởng, chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao (6% GDP) tài trợ bằng trái phiếu chính phủ và một chương trình đầu tư công trung hạn (2022-2025).

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, sự suy giảm GDP trong quý 3 chỉ là nhất thời, GDP sẽ đảo chiều khi các biện pháp mở cửa thị trường được kích hoạt. Chúng ta có thể không đạt được mục tiêu 3,5 – 4% như dự kiến nhưng vẫn có khả năng tăng trưởng vào quý IV này và trong năm 2022 đà tăng trưởng sẽ hồi phục lại.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu trên, theo ông Lộc đồng tình, cần kiên định chủ trương mở cửa nền kinh tế. “Đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia ban hành ngay trong tuần này tài liệu hướng dẫn “Thích ứng (hay sống chung), an toàn với Covid” để xác lập kịch bản và các khung khổ hành xử của các cấp chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp”, ông Lộc nhấn mạnh.

Ông Lộc đề xuất, có thể coi đó là cuốn “cẩm nang”  hay là “bộ luật Chung sống an toàn với Covid”. Đây là một công cụ quan trọng để chúng ta chủ động, kiên định chung sống an toàn với dịch bệnh, tránh lúc “đóng” , lúc “mở”; lúc “siết”, lúc “buông”; trên nói một đằng, dưới làm một nẻo; tỉnh A thông đường, tỉnh B rào chặn; quận, huyện bảo doanh nghiệp được vận hành, xã phường bảo người lao động “ở đâu yên đó”, “một ngõ có F0, cả vùng phong tỏa”, “ngăn sông, cấm chợ” vô lối, làm khó doanh nghiệp, làm khổ cho dân …

“Khi có cẩm nang, địa phương không phải xin phép Trung ương, doanh nghiệp và người dân không phải chờ phê duyệt của chính quyền, doanh nghiệp có thể chủ động các phương án dự phòng để duy trì sản xuất, các chủ nhãn hàng quốc tế có thể yên tâm vào khả năng thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Lộc quyết liệt.

Bên cạnh đó, lãnh đạo VIAC cho rằng, doanh nghiệp chính là động lực phát triển của nền kinh tế, nên cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tái khởi động và phục hồi.

Cụ thể, ông Lộc đề nghị cần triển khai theo 5 mũi giáp công. Một là, mở cửa thị trường. Đây là cỗ máy trợ thở lớn nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế lúc này (chủ động, nhất quán, có lộ trình, kịch bản).

Hai là, đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính. Đây là thời cơ tốt cho sự đồng thuận, chung tay, đẩy nhanh cải cách.

Ba là, thực hiện tốt và mở rộng quy mô các gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ, an sinh. Các biện pháp hỗ trợ định hướng không chỉ cứu các doanh nghiệp khó khăn mà còn nhằm thúc đẩy các ngành và doanh nghiệp có tiềm năng phát triển.

Bốn là, triển khai chương trình trợ giúp, nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là các kiến thức và kỹ năng về tái cấu trúc, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đào tạo nguồn nhân lực.

Năm là, tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư kết nối lại các chuỗi cung ứng và mở mang thị trường cho doanh nghiệp.

Nguồn dẫn: Vũ Khuê/ Thời báo Kinh tế Việt Nam

Link bài gốc: https://vneconomy.vn/kinh-te-quy-4-va-trien-vong-nam-2022-se-the-nao.htm