PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Chính phủ cần sớm có chiến lược đúng hướng trong chống dịch, từng bước sống chung với dịch bệnh để không để lại hậu quả xấu cho nền kinh tế và các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Bất ổn bủa vây nền kinh tế nửa cuối năm 2021
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang trải qua thời gian khó khăn chưa từng có trong lịch sử.
Một trong những tác động nguy hiểm nhất của đại dịch lần này là làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế mở, phụ thuộc nhiều vào thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam khoảng 200% GDP, ít nền kinh tế có độ mở cao như vậy.
Dự báo về tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021, ông Thiên cho rằng, tương lai rất khó đoán định khi những khó khăn của nền kinh tế hiện diện trên mọi khía cạnh.
Thứ nhất, ngân sách đang dần cạn kiệt. Thứ hai, doanh nghiệp đang suy yếu, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa. Sức chống chịu của doanh nghiệp đang yếu dần do những tác động nghiêm trọng và kéo dài của dịch bệnh, giãn cách xã hội.
Theo ông Thiên, để tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển và từng bước khôi phục lại nền kinh tế, tư duy chống dịch cần được thay đổi. Nếu như năm 2020, Việt Nam chống dịch theo cách truyền thống, áp dụng giãn cách xã hội và truy vết hết các ca F0 trong cộng đồng để đảm bảo cho nền kinh tế không âm về tăng trưởng, thì trong nửa cuối năm 2021, tình hình đã thay đổi hoàn toàn.
Điều này đòi hỏi cách thức chống dịch cần được xem lại và từng bước sống chung với dịch. Hoạt động lưu thông hàng hoá cần được đảm bảo, các hoạt động kinh tế cần được duy trì.
Nếu nền kinh tế cứ “đóng cửa” mãi như hiện nay sẽ rất nguy hiểm. Trong khi đó, hiện tại, Việt Nam không chỉ “đóng” mà còn khiến doanh nghiệp mắc kẹt do sự gia tăng chi phí, thời gian.
Một trong những dấu hiệu đang cho thấy sự bất ổn của nền kinh tế được vị chuyên gia này chỉ ra là lạm phát. Lạm phát vốn là chỉ số cho thấy tính ổn định của kinh tế vĩ mô. Trong 8 tháng đầu năm 2021, lạm phát của Việt Nam đạt 1,8%, theo lý thuyết, kinh tế vĩ mô sẽ ổn định.
Tuy nhiên, thực tế, chỉ số lạm phát thấp chỉ cho thấy sự ổn định về mặt giá cả trên thị trường. Trong khi đó, nền kinh tế lại đầy bất ổn. Đây là dấu hiệu của sự trì trệ về giá cả và sức mua yếu trên thị trường do thu nhập của người dân giảm sút do dịch bệnh. Người tiêu dùng hiện nay đang không sẵn sàng chi tiêu.
Hiện kinh tế thế giới đang tích cực mở cửa. Dự báo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, các nền kinh tế lớn đang phục hồi rất tích cực. Mức phục hồi của Mỹ trong năm 2022 dự kiến đạt 5,4%, EU 6,8%, Trung Quốc 8%.
“Sự mở cửa của thế giới sẽ mang đến cơ hội rất lớn cho việc phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta có đón được cơ hội này hay không lại tuỳ thuộc vào hành động của chính mình”, ông Thiên nhấn mạnh và cho rằng, Chính phủ cần sớm có giải pháp đúng hướng về chiến lược chống dịch, từng bước sống chung với dịch bệnh để không để lại hậu quả xấu cho nền kinh tế.
Cần hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp
Ngoài việc chống dịch, ông Thiên cho rằng, Chính phủ cần sớm có các giải pháp mạnh mẽ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Bên cạnh việc giảm chi phí, giảm lãi suất, miễn giảm thuế, phí vẫn đang được duy trì, Chính phủ phải tính tới việc hỗ trợ thêm nữa cho doanh nghiệp. Lãi suất hiện nay phải giảm thêm. Nếu các ngân hàng đã giảm kịch sàn rồi thì Chính phủ phải hỗ trợ các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp.
Đối với nền kinh tế, dòng tiền chính là máu cần được lưu thông. Do đó, Chính phủ cần bảo đảm cho doanh nghiệp lưu thông được dòng tiền, tiếp cận được vốn để hoạt động trong khó khăn. Đôi khi, nhà nước cần chấp nhận rủi ro để hỗ trợ doanh nghiệp, tránh việc làm khó doanh nghiệp quá mức khiến họ phá sản hàng loạt, kéo theo đó là sự suy sụp nền kinh tế.
Một vấn đề quan trọng khác là việc lưu thông hàng hoá, các địa phương cần tránh làm ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường, việc lưu thông hàng hóa phải được nhất quán trong toàn bộ nền kinh tế chứ không phải theo địa phương, không phải bị chia cắt theo từng tỉnh thành. Chính phủ cần phải đảm bảo nguyên tắc tối thiểu của kinh tế thị trường, luật lệ để lưu thông hàng hóa phải thống nhất trên cả nước, chứ không phải mỗi nơi một kiểu gây khó cho doanh nghiệp.
Tới đây triển vọng mở cửa nền kinh tế đang sáng dần lên, các cơ quan quản lý nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trên đà đó, nền kinh tế sẽ dần phục hồi.
Về phía bản thân các doanh nghiệp, ông Thiên cũng cho rằng, doanh nghiệp cũng cần có những thay đổi để thích ứng và phát triển trong bối cảnh mới.
Theo đó, thế giới từ năm 2020 đã bị đảo lộn ghê gớm. Bên cạnh dịch bệnh, có những nền tảng khác cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp. Đó là sự phát triển của công nghệ số và thay đổi cấu trúc kinh tế toàn cầu, sự dịch chuyển các nguồn lực, định hình chân dung mới của thế giới trong cấu trúc đang thay đổi.
Bản chất Covid-19 là một cuộc khủng hoảng phá hủy nền kinh tế. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi số, thích ứng với bối cảnh mới để tồn tại và phát triển sau dịch bệnh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.
Nguồn dẫn: An Chi/ Nhà Quản trị
Link bài gốc: https://theleader.vn/tuong-lai-bat-dinh-cua-nen-kinh-te-1632816531789.htm