Nếu chúng ta không có chính sách mạnh mẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì sẽ khó giữ chân cũng như thu hút thêm những nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam là điểm đến. Nghị định 82 cần sửa đổi theo hướng thông thoáng hơn, mạnh mẽ hơn nhằm hút FDI…
Đóng góp ý kiến tại hội thảo “Góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, các doanh nghiệp đều nhất trí với những điểm mới của dự thảo và cho rằng quy định mới tuy đã rõ ràng, đầy đủ hơn liên quan đến việc thành lập, điều chỉnh các khu công nghiệp, song vẫn còn một số điểm chưa phù hợp, cần làm rõ để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
BẤT CẬP QUY ĐỊNH GIỚI HẠN DIỆN TÍCH VÀ TỶ LỆ LẤP ĐẦY
Theo bà Nguyễn Thị Bích Liên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An, quy định về giới hạn diện tích của mỗi giai đoạn “không quá 500 ha” giữa dự thảo và Luật Đầu tư vênh nhau. Luật Đầu tư không đặt ra giới hạn diện tích từng giai đoạn của bất kỳ dự án đầu tư nào.
Mặt khác, việc giới hạn diện tích khu công nghiệp không thuộc danh mục các điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại Luật Đầu tư. Thực tế nhu cầu thuê đất khu công nghiệp ngày càng nhiều, đòi hỏi quy mô ngày càng lớn. Như các khu công nghiệp mà Samsung đầu tư tại Bắc Giang, Thái Nguyên đều có diện tích rất lớn trên 500 ha.
Bà Liên cho biết thêm, năm 2020, Indonesia lập khu công nghiệp quy mô 4.000 ha để thu hút đầu tư của các công ty Mỹ di dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam hiện vẫn chưa có khu công nghiệp tập trung nào có quy mô tương đương như vậy để cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài.
“Dự thảo cần tạo điều kiện để phát triển các khu công nghiệp có quy mô diện tích đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong xây dựng khu liên hợp sản xuất có diện tích từ 1.000 ha trở lên”.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Tổng giám đốc Công ty CP WHA Industrial Zone Nghệ An
Thậm chí, trong khi Việt Nam thiếu quy hoạch vùng, nhiều địa phương chưa có quy hoạch tỉnh nhưng dự thảo lại quy định “Điều kiện xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghiệp mở rộng phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Quy định này bất cập, khó thực thi, gây nhiều khó khăn trong công tác trình duyệt và thẩm định.
Ở góc độ khác, ông Phạm Hồng Điệp, Tổng giám đốc Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, cho rằng quy định về điều kiện xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp mới là tổng diện tích đất công nghiệp của các khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuê đất, thuê lại đất đạt tối thiểu 60%, vô tình tạo rào cản đối với các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng hiệu quả khi triển khai các dự án khu công nghiệp mới trên địa bàn.
Thực tế cho thấy hầu hết các đơn vị có năng lực tốt mới tự tin nghiên cứu và triển khai nhiều các dự án khu công nghiệp cùng một lúc. Do đó, để khuyến khích việc phát triển các khu công nghiệp, ông Điệp đề xuất không áp dụng tỷ lệ lấp đầy 60% để mở cửa và chào đón các đơn vị phát triển hạ tầng khu công nghiệp có năng lực thực sự đầu tư vào địa phương đó.
Đồng tình, ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Ohdear Vietnam JSC, cho rằng nếu chúng ta bám sát mục tiêu là thu hút FDI hay “dọn tổ cho đại bàng” thì tỷ lệ lấp đầy 60% không đáp ứng tiêu chí đó. Nếu 60% tính ở một tỉnh thì lại có khu chuyên ngành nữa.
Tỉnh đã không hợp lý, lại tuỳ vào năng lực xúc tiến thương mại của khu công nghiệp. Như vậy có người làm được, có người không. Do đó, nếu chúng ta hạn chế điều này thì vô tình không khuyến khích nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Vì vậy, ông An đề xuất bỏ hoặc hạ thấp xuống (có thể 50%) vì đích của chúng ta là thu hút FDI.
Góp ý thêm, ông Đỗ Quốc Dũng, Trưởng ban Phát triển dự án Công ty CP đầu tư phát triển TNI Holding Việt Nam, băn khoăn: cần xem xét đối với các dự án khu công nghiệp sinh thái, hỗ trợ, chuyên sâu, khoa học công nghệ, khi đầu tư xây dựng mới không bị yêu cầu đáp ứng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp trước đó là 60%, thì khi mở rộng các dự án khu công nghiệp này yêu cầu lấp đầy 60% của chính khu công nghiệp đó có hợp lý không?
GIẢM THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, TĂNG CƠ CHẾ ƯU ĐÃI
Một vấn đề khác được các nhà đầu tư khu công nghiệp lo ngại, đó là các quy định về thủ tục hành chính trong triển khai thủ tục pháp lý cho việc hình thành khu công nghiệp.
Theo ông Điệp, với quy định hiện nay, để nhà đầu tư được cấp phép đầu tư, nhà đầu tư phải mất 24 tháng thậm chí có những dự án lên tới 36 tháng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của việc đầu tư cũng như làm lỡ mất nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào các dự án.
Chính vì thế, ông Điệp đề xuất cần có những biện pháp và chính sách cắt giảm bớt các thủ tục hành chính trong việc phát triển và mở rộng các khu công nghiệp đặc biệt là các dự án của các đơn vị phát triển hạ tầng đã có uy tín và hiệu quả thông qua năng lực triển khai thực tế các dự án sẵn có.
Đồng thời, có thể nghiên cứu phương án ủy quyền và phân cấp việc xem xét, quyết định đối với các dự án cấp mới, điều chỉnh mở rộng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dựa vào quy mô, tính chất của từng dự án để rút ngắn thời gian triển khai các thủ tục.
Chia sẻ câu chuyện về vấn đề này, ông An kể một Văn phòng luật sư tại TP.HCM (khách hàng là các khu công nghiệp), cho biết trong tuần qua đã nhận được 5 email của khách hàng là các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có 3 email yêu cầu tìm hiểu thủ tục rút nhà máy tại Việt Nam, 2 email đề nghị chấm dứt hợp đồng thuê đất.
Đặc biệt, trong bối cảnh thách thức này đòi hỏi Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ hơn, tháo gỡ những thủ tục đầu tư. “Nghị định 82 cần sửa đổi theo hướng thông thoáng hơn, mạnh mẽ hơn nhằm thu hút nhà đầu tư”, ông An khuyến nghị.
Hơn nữa, ông An cho rằng nhà đầu tư đến Việt Nam họ quan tâm tới vấn đề an sinh xã hội cho người lao động, quy chuẩn môi trường… Nhưng điều họ ngại nhất là thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
Vì vậy, theo ông An, cần đồng nhất một đầu mối trong xin cấp phép cho ban quản lý dự án các tỉnh. Trao thẩm quyền thực chất cho Ban quản lý giúp nhà đầu tư không phải chạy đi chạy lại nhiều mất thời gian, chi phí.
Ông Điệp bổ sung, Nghị định 82 sửa đổi cũng đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam định dạng được thế nào về khu công nghiệp sinh thái. Như vậy, chỉ cần có những ưu đãi về cơ chế chính sách, đơn giản hoá thủ tục và đề xuất ưu đãi cụ thể đối với việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái sẽ tương đương như khu kinh tế thì các nhà đầu tư sẽ sớm chuyển hướng sang phát triển khu công nghiệp xanh, sản phẩm xanh.
Nguồn dẫn: Hương Loan/ Thời báo Kinh tế Việt Nam
Link bài gốc: https://vneconomy.vn/sua-nghi-dinh-de-lam-moi-cac-khu-cong-nghiep.htm